Còn cạnh dốc cầu Ông Hổ, chị Lê Thị Hồng Gấm muốn đặt hai quả mìn diệt lính canh bốt cầu nhưng rất dễ bị lộ. Chị Tư về hỏi ý mẹ. Bà Quế nghĩ ra cách giả vờ đi gánh rơm khô về cho trâu ăn, khi ngang qua gần chân cầu “đánh rơi” quang gánh, rơm đổ ra đường. Sau khi hốt dọn xong, phần rơm rơi vãi còn lại là chỗ ngụy trang cho con gái gài mìn, khiến địch không thể ngờ được. Trận đó 13 tên giặc phải đền nợ máu nhân dân Long Hưng.

Chị hy sinh ở tuổi 19 – tuổi đẹp nhất của người con gái để lại bao tiếc thương cho gia đình, đồng đội. Cái chết của chị, nói như nhà thơ Tố Hữu đã “hóa thành bất tử”.

Sự hy sinh của chị như “cơn địa chấn” tạo nên những làn sóng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Điều đó đã làm dấy lên hàng loạt các phong trào trong chiến đấu, lao động theo tấm gương Lê Thị Hồng Gấm. 

Tuổi thơ thơ gan dạ…

Nữ Anh hùng Lê Thị Hồng Gấm (gọi tắt chị Tư) là con thứ tư trong số 9 người con của ông Lê Văn Phước và Mẹ Việt Nam Anh hùng Đỗ Thị Quế ở ấp Thạnh Hòa, xã Long Hưng, huyện Châu Thành, Tiền Giang. Cả gia đình ai cũng từng đi bộ đội, công an, trừ anh con út Lê Thanh Trúc ở nhà với cha mẹ. 

Bên ly trà bốc khói, chiều miệt vườn bảng lảng khói mây, anh thương binh Lê Trọng Nghĩa (Sáu Nghĩa) – em chị Tư rít hơi thuốc dài rồi kể cho chúng tôi nghe về chị Tư: “Hồi nhỏ ở nhà có tui hiểu về chị Tư nhiều nhất. Chị gan dạ nhất xứ này. Nhà nghèo chỉ có đôi trâu làm vốn và phương tiện kiếm sống nhưng bị pháo của giặc bắn chết một con. Chị Tư suốt ngày chăn dắt trâu nên rất căm thù bọn giặc. Tuổi thơ ở vùng tạm chiếm của miền Nam ngày xưa, lòng căm thù giặc không chỉ là hình ảnh giặc đốt phá xóm làng, giết hại người thân mà còn là chuyện con trâu, con bò bị giặc bắn chết”.

Năm 16 tuổi, chị Tư bí mật gia nhập đội du kích xã làm công tác giao liên. Sau đó lên huyện làm giao liên và được chỉ định về Long Hưng làm Xã đội phó du kích xây dựng lực lượng đánh địch lâu dài, bảo vệ xóm làng, căn cứ. Có hơn chục lần mang tài liệu mật, đưa cán bộ vượt tuyến, đối mặt với quân địch, chị đã mưu trí, dũng cảm thoát hiểm an toàn, giải vây cho cán bộ.

Khi về xã nhà hoạt động, chị Tư nổi tiếng là một “kiện tướng đánh mìn” khiến bọn giặc khiếp vía, kinh hồn khi đặt chân đến Long Hưng. Anh Sáu Nghĩa kể: “Tui chứng kiến một lần chị Tư cài mìn giết giặc. Mờ sáng, anh em tui xách rổ tranh thủ lội qua vườn để nhổ nấm mối, nấm rơm mọc sau mưa cỡ ngày Rằm tháng Năm âm lịch. Bỗng thấy chị Tư từ trong lùm băng đến kêu hai đứa về nhà ngay vì lính sắp đi càn. Chị hứa sẽ nhổ nấm mang về sau. Hai anh em rình coi chị đánh mìn. Theo yêu cầu cấp trên giao, chị đánh mìn bọc hậu sau khi tiểu đoàn lính đi qua chủ yếu tạo kinh hãi cho chúng thôi vì hỏa lực địch rất mạnh, không an toàn cho người đánh mìn. Trước khi đánh mình, chị Tư leo lên ngọn cây xoài rậm rạp nhìn đoàn lính di chuyển, phát hiện hai tên cố vấn Mỹ đi giữa hàng nên “cãi lệnh” cấp trên, giật mìn nỗ chính giữa khiến một tên cố vấn chết tại chỗ, một tên bị thương nặng đưa về Mỹ Tho cấp cứu cùng hàng chục tên khác bị thương. Trận đánh gây tiếng vang lớn khiến giặc vô cùng hoảng sợ”.

Chuyện về nữ Anh hùng  Lê Thị  Hồng Gấm

Nữ anh hùng Lê Thị Hồng Gấm

Nhấp ly trà, anh Sáu Nghĩa kể tiếp: Mỗi lần chị Tư đi cài mìn, chị thường hỏi ý kiến má, bà thường dặn: “Đừng để trúng con nít hay người dân mình nghe con!”. Có lần nghe tin địch đi càn, chị Tư cài mìn Claymor thả dây thòng dưới mé kinh. Chị rút bớt cây trên cầu khỉ, chỉ để lại một cây khiến bọn lính Mỹ – Ngụy không dám qua, ùn ứ tại bờ bên này, buộc chúng phải lội qua kinh… Mìn nổ, hàng chục tên chết và bị thương, chúng điên cuồng nhả đạn như mưa.

Còn cạnh dốc cầu Ông Hổ, chị muốn đặt hai quả mìn diệt lính canh bốt cầu nhưng rất dễ bị lộ. Chị Tư về hỏi ý mẹ. Bà Quế nghĩ ra cách giả vờ đi gánh rơm khô về cho trâu ăn, khi ngang qua gần chân cầu “đánh rơi” quang gánh, rơm đổ ra đường. Sau khi hốt dọn xong, phần rơm rơi vãi còn lại là chỗ ngụy trang cho con gái gài mìn, khiến địch không thể ngờ được. Trận đó 13 tên giặc phải đền nợ máu nhân dân Long Hưng.

Mồng 2 Tết Mậu Thân, chị Tư xin phép mẹ xuống Mỹ Tho khiến cả nhà bà Quế đứng ngồi không yên như lửa cháy trong ruột vì nghe tin đánh nhau rất dữ dội trong nội thành Mỹ Tho. Hôm sau tình cờ một người hàng xóm về kể lại đã nhìn thấy tận mắt chị Tư ôm súng áp sát tường bắn máy bay trực thăng quần đảo trên trời và rút lui cùng bộ đội. Nghe tin, tim gan bà Quế như nhảy khỏi lồng ngực, bà biết rằng con gái của bà không đơn giản chỉ là một du kích đánh mìn mà là một chiến sỹ gan dạ, dũng cảm.

Đương đầu với bầy trực thăng Mỹ

Vào tháng 8/1969, chị Tư được cấp trên điều về làm Trung đội phó du kích vành đai liên xã. Đây là vùng ác liệt nhất với căn cứ Đồng Tâm, vành đai Bình Đức sát nách Mỹ Tho do Mỹ – Ngụy lập nên và phòng thủ rất kiên cố. Trong quá trình chiến đấu tại đây, chị Tư Gấm đã cùng du kích xã đánh 49 trận, tiêu diệt và làm bị thương 217 tên địch (có 22 tên Mỹ và 4 tên ác ôn), bắn rơi 1 máy bay, thu 4 súng.

Đồng đội của chị kể lại ngày định mệnh hy sinh của chị Tư. Hôm đó là ngày 18/4/1970, chuẩn bị cho trận đánh đêm, chị Tư cùng hai nữ du kích đi mua thức ăn dự trữ cho trung đội. Khi đến giữa cánh đồng (cách căn cứ Bình Đức 500m) thì bị máy bay địch phát hiện. Hai chiếc máy bay lên thẳng HU1A sà xuống rất thấp có ý định bắt sống. Trong tình thế nguy hiểm đó, chị Tư nói như ra lệnh: “Tôi có thể chạy thoát được nhưng nguy hiểm cho hai chị, nếu cả ba người cùng ở lại chiến đấu thì không đủ vũ khí, thương vong vô ích. Tôi có súng sẽ ở lại chiến đấu, thu hút hỏa lực chúng, còn hai chị chạy thoát ngay đi”. Nói xong, chị chỉ hướng cho hai nữ du kích chạy vào vườn, còn một mình với khẩu súng AR15, chiến đấu với địch.

Hai chiếc trực thăng HU1A xả đạn bắn uy hiếp, quần đảo trên đầu kêu gọi đầu hàng, chị không hề nao núng, bình tĩnh nhắm thẳng trực thăng nhả đạn, một chiếc cháy rơi tại chỗ… Chiếc trực thăng thứ hai sà xuống đổ quân, vừa bao vây gọi hàng. Trong giờ phút sinh tử ấy, chị không nao núng, bắn hạ thêm 3 tên địch. Địch đông, hỏa lực mạnh điên cuồng nhắm về phía chị xối xả như mưa. Một mình chị tỳ vai, quỳ gối máu tuôn xối xả chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Chuyện về nữ Anh hùng  Lê Thị  Hồng Gấm

Anh thương binh Lê Trọng Nghĩa – em ruột chị Tư Gấm (bên phải)

Anh Nghĩa nghèn nghẹn kể tiếp: “Lúc đó má tui hay tin báo, mà khắp nhà bọn lính canh giữ rất nghiêm ngặt. Má tui giả đò bắt cặp vịt nói là đi đám giỗ… Thật ra là má vào cứ để nhìn con gái lần cuối cùng”. Ngày còn sống, mẹ Quế từng nói trong nước mắt: “Người nó tan nát hết. Một phát vô đầu, một phát vô tim. Chúng lột cả chiếc nhẫn trên ngón tay áp út của nó, lấy hết mọi thứ trong balô. Khi hy sinh, nó mới 19 tuổi”. Và, mẹ kể chuyện như có một điềm báo trước về lần cuối cùng chị Tư ra đi. Chị nhờ mẹ mua dùm 20 thước ni lông chuẩn bị đánh ban đêm. Trước khi chào má đi, chị còn nói: “Tụi con mỗi đứa có tiêu chuẩn 2m thôi. Sống chết gì cũng như vậy”. Ai mà ngờ, đó là câu nói cuối cùng chị nói với mẹ trước lúc hy sinh oanh liệt. Mẹ chạy vào chiến khu nhìn mặt con gái và an táng chị tại nghĩa trang gần nhà, sau này cải táng tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Tiền Giang.

… Và cái chết hóa thành bất tử

Nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Có cái chết hóa thành bất tử” đó là những anh hùng trẻ tuổi của Việt Nam như Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân, Lê Thị Hồng Gấm… Tấm gương hy sinh của Lê Thị Hồng Gấm đã tạo nên “cơn địa chấn” khích lệ, cổ vũ cho toàn thể thanh niên nam nữ khắp hai miền như được tăng thêm sức mạnh, sôi sục vùng lên lập những chiến công rực rỡ trong chiến đấu và sản xuất.

Nhiều chiến sỹ giải phóng đã đánh đến quả lựu đạn cuối cùng chứ quyết không rời trận địa. Nhiều du kích dùng thủ pháo đánh gục những chiếc xe bọc thép khổng lồ dù mình đã bị thương. Nhiều nữ thanh niên “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của miền Nam đã lên đường chiến đấu với những tâm tư như Lê Thị Hồng Gấm.

Có thể nói cái chết của chị đã tạo thêm những thành tích kỳ diệu ở khắp mọi nơi với những phong trào “Học tập và làm theo Hồng Gấm”, “Bắn máy bay như Hồng Gấm”, “ Đánh phá bình định như Hồng Gấm”, “Dẫn đầu như Hồng Gấm”. Sự hy sinh oanh liệt của chị đã để lại trong lòng mọi người một ý niệm sâu sắc và tinh thần dũng cảm tuyệt vời, một ý chí kiên cường bất khuất trước quân thù, một đức tính kiên nhẫn vượt mọi khó khăn, ác liệt để chiến thắng. Lòng căm thù địch sâu sắc, lòng yêu thương nhân dân, yêu thương đồng đội tha thiết của Hồng Gấm sẽ mãi mãi làm mọi người xúc động, tạo nên một sức mạnh tinh thần vĩ đại ở khắp mọi nơi. Lê Thị Hồng Gấm và những người con ấy không thể chết bởi họ gắn chặt với nhân dân muôn đời bất tử.

Ngày 20/9/1971, Liệt sỹ Lê Thị Hồng Gấm được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam truy tặng Huân chương Quân công giải phóng hạng Ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng. Chị là nữ Anh hùng quân đội đầu tiên của tỉnh Tiền Giang. 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here