Lá số ( Chiêm tinh học ) – Cùng giải mã các góc chiếu

lá số chiêm tinh học

Khi mới tìm hiểu về Lá số chiêm tinh học, các bạn thường nghe nói đến sao này “chiếu” sao kia, hành tinh X “vuông góc” hay “trùng tụ” với hành tinh Y … Vậy những “góc chiếu” hay “vuông góc” đó là gì ? Chúng đóng vai trò quan trọng như thế nào ?

Một trong những kiến thức căn bản để hiểu được một lá số chiêm tinh đó là bạn cần biết ý nghĩa của các GÓC CHIẾU.  Theo định nghĩa, một GÓC CHIẾU là khoảng cách chính xác giữa 2 điểm trong một lá số, thể hiện qua vòng cung của hình tròn (với tâm ở chính giữa lá số) và được tính bằng độ (°).  Nói cách khác, góc chiếu được dựa trên sự phân chia góc độ hình học của một vòng tròn, 360°, ra thành từng cỡ khác nhau tương tự như miếng bánh pizza.  Trên một lá số, các góc chiếu (“aspects”) liên kết các hành tinh và điểm nhạy cảm với nhau tạo thành một sự ảnh hưởng, tác động, kiểm soát, kích thích và cho thấy sự gắn bó vô hình giữa chúng.  Một số góc chiếu, hay phân chia, sẽ tạo thành liên kết mạnh mẽ hơn các góc chiếu khác, dù đặc điểm cốt lõi chung ở đây đó là chúng đều có liên quan ít nhiều với nhau.

Một hình ảnh ví dụ để bạn có thể nhìn các góc chiếu trong lá số đó là xem lá số như một bàn tiệc, và các hành tinh liên kết với nhau như những vị khách mời trong buổi tiệc ấy.  Kim Tinh thưởng thức buổi tiệc này như thế nào với Mặt Trăng ?  Còn chàng Thổ Tinh thì sao ?  Chàng ấy có vui chơi hết mình, hay chỉ gậm nhấm từ từ khi liên kết với Hỏa Tinh ? Hay chàng mất hứng ăn uống trong bữa tiệc này ? …

Mỗi hành tinh có một định hướng khác nhau về trải nghiệm cuộc sống.  Mỗi hành tinh sẽ nếm thử, tiêu hóa, thâm nhập hay chối từ trải nghiệm đó theo những cách khác nhau.  Đối với Chiêm Tinh Học, không có góc chiếu, hành tinh, hay vận nào gọi là “tốt” hay “xấu”.  Đơn giản là chúng đều có tính cách riêng, đôi khi lại tương phản / đối nghịch lẫn nhau.  

Nói cách khác, mỗi loại góc chiếu đều có hai bộ mặt.  Những góc chiếu căng thẳng luôn đem đến những khó khăn, và nếu chúng ta có thể vượt qua khó khăn đó, chúng trở thành sự thắng lợi, chinh phục hay thành đạt cho bản thân.  Trong khi đó, những góc chiếu hài hòa đem đến những điều kiện thuận lợi có thể phung phí đi nhiều cơ hội tốt.  Tốt nhất và lý tưởng nhất là một lá số nên có sự cân bằng giữa 2 nhóm góc chiếu vừa căng thẳng vừa hài hòa.  Nếu một người chỉ có toàn những góc chiếu hài hòa sẽ có nhiều tiềm năng đấy, nhưng lại không có động lực để phát triển nó, trong khi một người chỉ có những góc chiếu căng thẳng có thể cảm thấy thiếu niềm tin và lạc quan để vượt qua các khó khăn.

Góc chiếu cũng giống như các chân bàn.  Đụng một chân sẽ tác động đến các chân khác.  Nếu có một hình học đại thập tự xuất hiện trên lá số bẩm sinh giữa Kim Tinh, Hỏa Tinh, Thổ Tinh và Mộc Tinh, chỉ cần kích động một hành tinh thì sẽ đánh thức hết các hành tinh còn lại.  Trong ví dụ này, nếu bạn đấu tranh với một tình huống đe dọa (Hỏa Tinh), bạn sẽ tự động đánh thức sự cô lập và chủ quyền của Thổ Tinh, sự nồng nhiệt mở rộng của Mộc Tinh và ước vọng tạo ra hòa bình của Kim Tinh.  Bạn không thể chọn một mà không đụng đến những hành tinh khác một khi chúng đã liên kết với nhau bằng góc chiếu, cho dù là thể hiện ra bên ngoài thực tế với một hành tinh và dồn hết về bên trong nội tâm với tất cả các hành tinh còn lại (như phần đáy của một tảng băng nổi).

Điều này làm sáng tỏ ra tác dụng của bất kỳ hành tinh nào đứng đơn điệu và không có góc chiếu (“unaspected” – với hành tinh nào khác) trong lá số.  Ví dụ, nếu Hỏa Tinh không có góc chiếu (với hành tinh nào khác), sự đấu tranh có thể không gợi lên điều gì ngoài sự hung hăng của chính nó.  Nó có thể hoạt động trong sự cô lập vì nó không có liên kết gì với các thiên thể khác.  Trong trường hợp này, một khi bị đánh thức, sự hung hăng đó sẽ rất khó để bị kìm chế từ bên trong hay bên ngoài (Thổ Tinh), khó đi đến hòa giải hay điều đình (Kim Tinh), hay khó có một ý nghĩa hoặc mục tiêu gì cụ thể cả (Mộc Tinh).  Năng lượng Hỏa Tinh trở nên tinh khiết và hoang dại tạo ra một biến cố lớn mà không có bất kỳ điều gì để hoán chuyển hay thay đổi nó.  Đây không hẳn là một điều xấu !  (Hãy nghĩ đến tiềm năng trong thể thao !)

Bản chất của góc chiếu, dù là tam hợp, vuông góc, ngũ chiếu hay đối nghịch đều có ý nghĩa nào đó, nhưng điều quan trọng hơn đó là chúng ta phải nắm được nếu có bất kỳ liên quan nào và sự liên quan đó tượng trưng cho chuyện gì.  Nếu Mặt Trăng (cảm xúc) tạo góc chiếu với Hỏa Tinh (động lực), cảm giác sẽ rất khác với khi Mặt Trăng tạo góc chiếu với Hải Vương Tinh (mơ mộng hoặc thiên hướng tâm linh).  Có sự khác biệt giữa góc chiếu “mềm” và góc chiếu “cứng”, nhưng ý nghĩa chính giữa các hành tinh liên kết với nhau vẫn không thay đổi.  Điều này đặc biệt đúng với những vận hạn liên quan đến các hành tinh vòng ngoài.  Một lục hợp từ Diêm Vương Tinh có thể mang đến một trải nghiệm sâu sắc đến từng chi tiết cũng không kém gì một vuông góc hay đối góc.  Quan trọng hơn, sự khác nhau ở chỗ người đó có được thần thánh “xoa đầu” nhiều hay ít là tùy vào ở góc chiếu.  Thông thường, trùng tụ (0°) và đối góc (180°) là những góc chiếu gây kết quả rõ ràng nhất trong lá số bẩm sinh của bạn, tuy nhiên những góc chiếu “ít hơn” cũng cần được xem xét và thẩm định, cho dù là không có gì.  

Độ sai số (orb) tốt nhất thường là tùy mỗi lá số và kinh nghiệm của người xem lá số, dựa trên cái nào đúng nhất và đem đến kết quả có thể tin tưởng được và mang tính đồng bộ nhất.  Một sai số lớn hơn có thể được dùng cho các góc trùng tụ và đối góc, có khi đến 10° – 12° khi liên quan đến Mặt Trời hay Mặt Trăng, và sai số tiếp tục thắt chặt hơn cho các vuông góc, tam hợp, và càng chặt (sít sao) hơn nữa khi nói đến lục hợp và ngũ hợp.  Những góc chiếu không quan trọng thường có sai số không quá 2°, ví dụ như khi xem trường hợp song song thì độ chính xác cho phép sẽ không đi quá 1°.  Điều quan trọng nhất ở đây cần nhớ đó là, nếu một hành tinh có tác động như là đang có góc chiếu với một hành tinh khác, dù là sai số có lớn đi nữa, thì liên hệ đó vẫn được tính đến.  “Kết quả” quan trọng hơn “quy luật”.  Hãy uyển chuyển và dùng trực giác trong chính bạn khi xem lá số.

TRÙNG TỤ 0° HOẶC SONG SONG/PHẢN GƯƠNG NGANG

Trùng Tụ là một góc chiếu giữa hai hành tinh hay hai điểm cách nhau từ 0° đến vài độ, đôi khi có thể lên đến 10° hay 12°.  Tóm lại là chúng chồng trên nhau ở cùng một chỗ trên lá số.

Song Song được tạo ra khi hai hành tinh có cùng xích vĩ độ (declination), hay cùng khoảng cách hướng bắc hoặc nam của đường Hoàng Đạo.  Nếu cả hai hành tinh cùng ở phía Bắc, hoặc cùng ở phía Nam, chúng được xem tương đương như là một Trùng Tụ.  Nếu một hành tinh ở phía Bắc và hành tinh còn lại ở phía Nam, chúng được xem như là một đối góc 180°.  Sự Song Song được diễn dịch như là một khuếch đại mạnh mẽ cho bất kỳ góc chiếu nào khác sẵn có giữa hai hành tinh.  Trên lá số, bạn có thể thấy rõ hai hành tinh song song với nhau khi chúng có vị trí đối xứng, hay tôi thường gọi là Phản Gương (chiều) Ngang, qua trục Song Tử/Bắc Giải và Nhân Mã/Ma Kết (trong bài 135.001 đã có nhắc đến).

Một hành tinh trùng tụ, hoặc song song/phản gương với một hành tinh khác trong lá số thể hiện sự hòa trộn bẩm phú với nhau về tính chất của các thiên thể này.  Chúng hòa hợp với nhau đến nỗi khó có thể phân biệt giữa cái này và cái kia.  Chúng như đôi mèo Xiêm, vừa có khác biệt riêng nhưng luôn luôn nối kết với nhau.  Tùy theo hành tinh nào nối kết với nhau sẽ định đoạt kết quả hiệu ứng của mỗi trùng tụ đó.  Người có Mặt Trời trong Thiên Bình (Libra) trùng tụ hoặc (nếu) song song với Kim Tinh tượng trưng cho một sự hấp dẫn thu hút tự nhiên, củng cố các tính chất của Mặt Trời Thiên Bình như đĩnh đạc cân bằng, thưởng thức nghệ thuật và thẩm định một cách khách quan.  Cũng Mặt Trời đó nhưng trùng tụ hay song song với Diêm Vương Tinh là một câu chuyện khác.   Mọi việc mà Diêm Vương Tinh đụng đến sẽ có xu hướng lôi kéo đi tuột xuống những ruột lòng sâu thẳm nhơ nhớp của âm phủ làm cho Mặt Trời Thiên Bình đó nhẹ lắm là phải … quằn quại !  Nhu cầu của chúng quá khác nhau, xu hướng thì đối nghịch, và ước vọng không tương đẳng với nhau.  Điều quan trọng để hiểu được một trùng tụ là quan sát kỹ nó đem nhập lại cái gì với nhau.

Sự đến với nhau này còn bao gồm cả góc chiếu khác cung Hoàng Đạo, nếu sai số không quá lớn.  Ví dụ Kim Tinh tại 2° trong Song Tử trùng tụ với Chiron đang ở 27° thuộc cung Kim Ngưu thêm vào sự phức tạp trong ý nghĩa của thế chiếu.  Kim Tinh và Chiron có thể nhắm cùng phương hướng và mục tiêu và hỗ trợ mạnh mẽ cùng nhau trong trùng tụ, nhưng tính tình nghịch ngợm và tìm kiếm tri thức của Song Tử có thể mau chán và thiếu kiên nhẫn với tính chín chắn kỹ càng và chăm chỉ của Kim Ngưu, làm cho sự hội tụ này rắc rối hơn bạn nghĩ ban đầu.

Trong vận hạn, trùng tụ và song song/phản gương ngang là những góc chiếu mang tính HÀNH ĐỘNG.  Chúng cho thấy năng lượng và phản ứng, cũng như hiệu ứng của chúng được gia tăng, dù là tốt hay xấu, bởi vì các năng lượng được hội nhập lại với nhau.  Trong các cung Hoàng Đạo thuộc nhóm Lãnh Đạo (Bạch Dương, Bắc Giải, Thiên Bình và Ma Kết), sự trùng tụ hay song song cho thấy sự hành động hay phản ứng ngay tức thì, mang tính chất khẩn trương trong những thiên thể liên quan.  Nếu là trong các cung thuộc nhóm Kiên Định (Kim Ngưu, Hải Sư, Hổ Cáp và Bảo Bình), hành động đó sẽ trở nên kìm chế và tiết độ hơn.  Trong các cung Biến Động (Song Tử, Xử Nữ, Nhân Mã và Song Ngư), hành động đó sẽ bị phân tán, bất thường hay đa dạng trong mục đích của nó.

ĐỐI GÓC 180° HOẶC BẤT SONG SONG / PHẢN GƯƠNG DỌC

Đối Góc (hay bất song song theo xích vĩ hoặc trục Bạch Dương/Thiên Bình) cho thấy có một sự tương phản về các nhu cầu, giá trị và động lực.  Theo truyền thống, đối góc tượng trưng cho sự chia cách, mâu thuẫn và chênh lệch về các nhu cầu khác xu hướng với nhau.  Sự khách quan ngụ ý trong một đối góc đó là việc hình thành ra một quan hệ đối tác tương trợ, có một sự hợp nhất công bằng nào đó giữa 2 thái cực đối nghịch.  Tuy nhiên, con đường để đạt đến sự khách quan đó thường dẫn đến một chiến trận đầy những khác biệt khốc liệt.

Sự xung đột trong đối góc xảy ra không phải vì bản thân các hành tinh mâu thuẫn với nhau, nhưng là vì tính chất của cung Hoàng Đạo mà chúng đóng.  Đây là vấn đề thuộc về VỊ TRÍ.  Ngoài trường hợp đối góc kiểu “ngoại cung” (nằm gần các tiếp điểm giữa hai cung Hoàng Đạo), hai hành tinh đối góc sẽ thường đóng trong các cặp cung Hoàng Đạo trực tiếp đối diệnvới nhau trên đường kính vòng tròn của lá số cùng với những động lực tương phản với nhau.

Trong vận hạn, các hành tinh đối góc với nhau xem như bị “tách rời” về “khoảng cách” giữa “mục tiêu” và “mục đích” của chúng.  Chúng không tự nhiên đem hai nguồn lực đối nghịch lại với nhau, mà chỉ có thể làm như vậy qua sự mâu thuẫn và đấu tranh.  Chúng có thể là hai cá nhân có ước vọng và mục đích trái ngược nhau, hay hai tùy chọn thể hiện tính tương phản của chúng nhiều hơn là điểm chung.

Cơ cấu phóng chiếu (projection) về ý nghĩa đặc tính của từng hành tinh đóng vai trò rõ ràng trong một đối góc.  Đặc tính “nước đôi” của đối góc dễ dàng tạo ra một sự phân chia đối lập mạnh mẽ đến nỗi giải pháp duy nhất chính là phải để cho ai đó thể hiện ra phần cực đoan của mình.  Điều này có thể ví dụ qua các quan hệ tình cảm khi một người yêu chuộng tự do, bay nhảy (Thiên Vương Tinh) và người kia muốn sự gần gũi, bám víu (Kim Tinh), hay một bên là người vui vẻ hướng ngoại náo nhiệt (Mộc Tinh) và bên kia là một kẻ nghiêm túc và bảo thủ kinh điển (Thổ Tinh).  Một hay cả hai người có thể có một đối góc giữa Kim Tinh và Thiên Vương Tinh, hay một đối góc Mộc Tinh / Thổ Tinh sít sao, hay góc chiếu nào khác, và cả hai không thể đạt đến một sự phân đôi nào khác hơn là “chia cắt và phóng chiếu”.

Hiểu được ý nghĩa phóng chiếu của một đối góc chính là bước đầu tiên để ráp ghép trở lại những nhu cầu đã bị chia rẽ ra thành hai phe đối nghịch.  Phơi bày rõ ràng sự đối góc theo phương pháp này sẽ giúp chúng ta hiểu được cái gì đáp ứng được các nhu cầu của mỗi bên, cho dù đáp ứng này có là một sự tạm bợ.  Chỉ khi nào chúng ta bắt đầu nắm bắt được cả hai khía cạnh đó thì việc tìm kiếm giải pháp hợp tác của đối góc mới có thể phát huy được hiệu lực.

VUÔNG GÓC 90°

Bao ngàn năm qua, Vuông Góc luôn bị “ném đá” bởi sách vở, được phong cho những từ ngữ như là “kẻ phá rối”, “xui xẻo”, “ma quỷ” và “đê hèn”.  Trong vận hạn, sự vuông góc cho thấy khó khăn, mất mát, thất bại và những cái giá đắt đỏ phải trả.  Sách vở hiện đại ngày nay đã nhẹ nhàng phân định lại vấn đề với vuông góc bằng những chữ như “chướng ngại, cản trở và khó khăn”.  Cho dù nói kiểu nào đi nữa, vuông góc đồng nghĩa với công việc khó nhọc.

Ít có nhà chiêm tinh gia nào có thể định nghĩa được sự vui thú của Mặt Trăng khi vuông góc với Thổ Tinh.  Có gì ích lợi trong việc phải vất vả ổn định các nhu cầu căn bản như tình yêu, nuôi dưỡng và cảm xúc ?  Đó là một thử thách cho người xem số khi cố vẽ một bộ mặt hạnh phúc trên một góc chiếu vuông.  Và cũng ít ai có thể chấp nhận được điều này.

Tuy nhiên, nếu không có mâu thuẫn, xung đột và đấu tranh, một câu chuyện sẽ trở nên nhàm chán.  Nhân vật không bị kích động hay lôi kéo để họ có thể trở thành những “anh hùng”.  Nếu không có vuông góc, sẽ không có tương phản, không có việc phải ngồi trên đống lửa, để chờ đợi tham gia vào một hành động kế tiếp.  Thực tế là, người đó sẽ không bao giờ học được để đứng dậy.  Nếu được nuôi dưỡng liên tục, các nhu cầu dễ dàng được thỏa mãn và các hành động được đáp ứng trơn tru thông suốt thì cuộc sống sẽ sản sinh ra những con người sống không có mục đích.  Vuông góc là những cú thúc để vị anh hùng bước đi trên cuộc hành trình của mình, giúp anh ta lớn lên và thay đổi.  Chúng là một phần của những gì làm chúng ta cảm thấy đạt được mục đích và trở nên khôn ngoan.

Vuông Góc tượng trưng cho xung đột một phần là vì khoảng cách của các hành tinh với nhau.  Ở góc vuông 90°, các hành tinh thường là nằm chung một nhóm Thể Động (Lãnh Đạo, Kiên Định hay Biến Đổi).  Chúng đều có cùng phương thức chuyển động chung, nhưng phương hướng mà chúng nhắm tới hoàn toàn khác nhau.

Nhóm Lãnh Đạo có phong cách hành động và khởi động.  Tuy nhiên, phong cách mà chúng khởi động đều không giống nhau.  Bạch Dương hành động để dẫn đến sự tự nhận thức, bướng bỉnh và chiến thắng.  Cách Bạch Dương 90°, Bắc Giải hành động để dẫn đến sự đoàn tụ cảm xúc, nỗi đau và hòa nhập được chia xẻ.  Cách Bắc Giải 90°, Thiên Bình hành động để dẫn đến vẻ đẹp được san xẻ, giá trị tri thức và khoái lạc trong giao tiếp.  Cách Thiên Bình 90°, Ma Kết hành động để dẫn đến quyền lực, trách nhiệm và sự thành đạt cao hơn.  Cách 90° từ Ma Kết, trở lại với Bạch Dương, là kẻ chẳng quan tâm nhiều về trách nhiệm hay các giới hạn ràng buộc.

Vuông Góc được hiểu như là những xung đột và tương phản đầy ý nghĩa và cần bỏ ra sức lực và óc suy gẫm để giải quyết.  Thông thường, khó ai có thể bỏ qua chúng.  Chúng thường gây chú ý cho chúng ta bằng những cách hóc búa, nhưng có thể có lợi, hữu dụng và đầy sáng tạo.

TAM HỢP 120°

Tam Hợp nổi tiếng đem lại may mắn, thuận lợi trong công việc và làm tiêu tan khó khăn.  Nó cũng còn được cho là góc chiếu của sự sáng tạo và mở rộng tinh thần, đem đến sự hạnh phúc và thoải mái cho đương số.  Ký hiệu của nó là một tam giác đều, tượng trưng cho sự hài hòa, cân bằng và mãn nguyện.  Những hành tinh thuộc góc chiếu này có cùng một hành (Hỏa/Thổ/Khí/Thủy) cho thấy có một luồng chảy năng lượng không bị cản trở, ngoại trừ trong trường hợp chúng tạo góc chiếu tam hợp với các cung Hòang Đạo trái hành (“ngoại cung”).

Sách vở ngày xưa cho rằng Tam Hợp luôn luôn là tốt, không cần phấn đấu gì nhiều và đem lại những kết quả có lợi.  Sự Tam Hợp thường cho thấy một sự chấp nhận, dù đó là giữa Mặt Trăng và Kim Tinh, hay Mặt Trăng và Diêm Vương Tinh.  Các hành tinh được sắp xếp trong một quan hệ thoải mái và trơn tru với nhau nhất.  Điều này có ý nghĩa thông thoáng, với sức cản trở ít nhất để đạt đến sự cầu toàn trong một niềm tin, triết lý, hay đạt đến những gì mà người khác lại cho rằng là “phá hoại” hoặc “cô lập”.  Hãy nhớ rằng Chiêm Tinh Học không bị tù túng trong một kiểu mẫu văn hóa nào cả.  Nó nằm bên ngoài chiếc hộp.  Nó không xét đoán.  Bản chất của các góc chiếu không “tốt” hay “xấu”, nhưng sự thể hiện ra bên ngoài của người đó định nghĩa sự “tốt” hay “xấu”, tùy theo mỗi văn hóa mà người đó đang sống.

Kết quả hình ảnh cho lá số chiem tinh học

LỤC HỢP 60°

Lục Hợp mang ý nghĩa tương tự như Tam Hợp, nhưng phát huy với cường độ yếu hơn, và thường dừng ở mức “tiềm năng”.  Từ khóa phổ biến cho góc chiếu Lục Hợp chính là “cơ hội” trong sự thuận lợi, hài hòa.  Điều này dựa trên tính chất tích cực của góc chiếu Lục Hợp thường xảy ra giữa những dấu hiệu Hoàng Đạo có cùng phân cực âm dương, hoặc các hành như Thổ và Thủy, Hỏa và Khí. 

Lục Hợp trong vận hạn đem đến những thời gian thuận lợi (= “làm biếng”) rõ ràng hơn với đương số nếu liên quan đến những cung Nhà thuộc nhóm Lãnh Đạo (1, 4, 7, 10).  Trong khi đó, lục hợp từ những cung Nhà thuộc nhóm Biến Đổi cho thấy sự chần chừ hay trì hoãn khi cần phải hành động nhanh lẹ.  Lục Hợp cũng đòi hỏi chúng ta phải cảnh tỉnh.  Một cơ hội có thể xuất hiện khi các hành tinh lục hợp với nhau, mặc dù chúng ta sẽ phải bỏ công ra để nắm bắt lấy giây phút đó khi nó xuất hiện.

Về tính tình con người, sự lục hợp liên kết các hành tinh với nhau theo kiểu tương thích mang ý nghĩa hợp tác và đồng cảm.  Dĩ nhiên, cũng phải xem xét bản chất thể hiện ra ngoài của những hành tinh liên quan khi chúng đi riêng lẻ, cũng như khi chúng kết hợp lại với nhau.  Nếu Hỏa Tinh lục hợp với Diêm Vương Tinh, điều đó không tự động có nghĩa là người đó đã biến đổi những động lực xông xáo của mình thành kiểu vừa mạnh mẽ nhưng cũng vừa nhạy cảm.  Nó chỉ có nghĩa là khi họ cảm thấy muốn xông xáo hay hành động (Hỏa Tinh), họ cũng cảm nhận được sức mạnh của thế giới bản năng tràn ngập trong họ theo từng cơn sóng ám ảnh mang sự trả thù có sức hủy hoại (Diêm Vương Tinh).  Điều quan trọng cần nhớ ở đây đó là hiểu được sức mạnh của lục hợp để mang các hành tinh lại với nhau và cùng nhắm về một mục đích hay lý do.

NGŨ CHIẾU 150° VÀ BÁN LỤC HỢP 30°

Lý do các nhà chiêm tinh cổ xưa đã gọi những góc chiếu “bất trùng tụ” (inconjunct) này là “ngũ chiếu” (quincunx) và “bán lục hợp” (semisextile) là vì chúng đều chia vòng tròn ra cùng mẫu số 12: bán lục hợp = 1/12 vòng tròn, và ngũ chiếu = 5/12.  Điều quan trọng cần lưu ý đó là những góc chiếu này được xem là những góc chiếu NHỎ thường gặp bên cạnh những góc chiếu LỚN và quan trọng hơn như đã đề cập ở trên.  Những góc chiếu này liên kết chặt chẽ với nhau những hành tinh thuộc dấu hiệu Hoàng Đạo khác phân cực, nguyên tố, thể động và xu hướng chung.  Chúng giống như những “bóng ma” trong sương đêm, và sự xuất hiện của chúng có thể khiến bạn rùng mình.

Kết quả hình ảnh cho lá số chiem tinh học

Một số người gắn những cái mác như “thân thiện” và “hài hòa” đối với góc chiếu bán lục hợp, xem nó chẳng khác nào là một phiên bản “con” của lục hợp.  Một số khác cho rằng bán lục hợp và ngũ chiếu tạo ra sự căng thẳng và khó chịu giống như một vuông góc.  Dĩ nhiên, cách tốt nhất đó là xem xét góc chiếu dựa trên hai hành tinh nào liên quan, và nó dễ dàng hay thách thức như thế nào khi dung hợp những nhu cầu và động lực của chúng trong những cung Hoàng Đạo mà chúng cư ngụ.

NHỮNG GÓC CHIẾU NHỎ KHÁC:

BÁN VUÔNG GÓC 45° (90°/2 HOẶC 360° x 1/8) và VUÔNG GÓC RƯỠI 135° (90° + 45° HOẶC 360° x 3/8)

Đây là những góc chiếu không được sử dụng rộng rãi ngày xưa, và có một ý nghĩa tương đối khá mới trong các loại góc chiếu.  Chúng liên kết hai hành tinh với hàm ý của sự thay đổi và điều chỉnh qua tranh đấu.  Nhiều người cho rằng chúng cũng có cái gì đó tương tự như vuông góc, cho thấy sự bất an và là thước đo ít nhiều của sự bất ổn định.  Cả hai bán vuông góc và vuông góc rưỡi có thể cho thấy những phản ứng khắc nghiệt và đột xuất, cũng có thể dẫn đến một thứ cảm xúc “lý thú”.  Cả hai hành tinh liên quan nói chung có một sự ma sát và cản trở.  Tình huống liên quan đến những góc chiếu này sẽ cần tính kiên trì và hành động có tính toán cẩn thận.  Cũng vậy, để biết sâu hơn thì phải xem bản chất kết hợp của các hành tinh liên quan.

PHẦN NĂM 72° (360° x 1/5) VÀ PHẦN NĂM ĐÔI (360° x 2/5)

Đây là những góc chiếu khó thấy nếu mới nhìn một lá số ban đầu, vì chúng không thể hiện ra theo những góc độ quen thuộc.  Các dấu hiệu Hoàng Đạo thường có chung một thể động (Lãnh Đạo, Kiên Định hoặc Biến Đổi) đối với góc phần năm, và với phần năm đôi thì giống như với góc ngũ chiếu 150°.  Những góc chiếu khó thấy này mang đến luồng năng lượng sáng tạo và tài năng cho đương số.  Chúng cũng có thể cho thấy nguồn động lực của một bản tính “chuyên môn” nào đó cần phải được phát triển và định hướng để có thể phát huy ra những hướng tốt đẹp trong cuộc sống.  Chúng kết nối những nhu cầu và động lực mà có thể không hòa hợp với nhau lúc ban đầu.  Hiểu được và chấp nhận những nhu cầu của các hành tinh liên quan trong góc chiếu này chính là bước đầu tiên để vận dụng chúng một cách hữu ích.

PHẦN MƯỜI 36° (360° x 1/10), BA PHẦN MƯỜI 108° (360° x 3/10) VÀ PHẦN HAI MƯƠI 18° (360° x 1/20)

Đây là những góc chiếu dựa trên sự phân chia vòng tròn với cùng một mẫu số 10, mà trong chiêm tinh vận hạn, chúng mang đến những sự kiện có tính chất rõ ràng, chính xác, hữu hình, không nghi ngờ vào đâu được, thể hiện qua những kết quả từ các hành tinh kết hợp theo kiểu chiếu này.  Về tính tình bẩm sinh, góc chiếu Phần Mười cho thấy những thiên tài đặc biệt tiềm ẩn mà có thể ban đầu người khác không nhận ra. 

THẤT HỢP / PHẦN BẢY 51°25’43” (360° x 1/7), THẤT HỢP ĐÔI (360° x 2/7) VÀ THẤT HỢP BA (360° x 3/7)

Đây là những góc chiếu chia vòng tròn ra cùng mẫu số 7.  Vì chúng phân chia không đều, nên chúng được xem như có gì đó “phi lý” và “bất thường” / “thất thường” trong sự thể hiện của chúng.  Cũng rất khó nhìn ra những góc chiếu này trong một lá số nếu không có sự trợ giúp của máy tính hay thước đo góc.  Chúng cho thấy những khó khăn trong cảm xúc hay tình cảm, cũng như cảm hứng đột phá sáng tạo.  Một số nhà nghiên cứu cho rằng Thất Hợp tương ứng với một cảm nhận thích thú, gây cảm hứng và kỳ diệu. 

CỬU HỢP 40° (360° x n/9)

Cửu hợp là những góc chiếu chia vòng tròn theo mẫu số 9, và ít khi sử dụng trong chiêm tinh học.  Một số nhà nghiên cứu có sử dụng góc chiếu này để xem xét về vấn đề thu hút trong tình dục.  Những góc chiếu theo bội số của Cửu Hợp như 40°, 80° và 160° liên quan đến nét quyến rũ hiếu kỳ, một năng lực hay nghi lễ huyền bí nào đó vì chúng liên quan đến cung Nhà thứ 9.

THẬP NHẤT HỢP 32°43’70” (360° x 1/11)

Đây là góc chiếu chia vòng tròn ra thành 11 phần, và được cho là biểu hiện của thiên tài về tâm linh.

Leave a Reply

Your email address will not be published.