La Văn Cầu – Thề sẽ hoàn thành nhiệm vụ kể cả phải hi sinh

la van cau

La Văn Cầu sinh ra và lớn lên trong một gia đình vốn có mối thù sâu với đế quốc, phong kiến. Cha bị giặc Pháp bắt, đánh dập dã man, sau kiệt sức rồi chết. Đồng chí phải sống vất vả cực khổ ngay từ nhỏ. 

La Văn Cầu sinh năm 1932, dân tộc Tày, quê ở xã Quang Thành, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là Tiểu đội trưởng bộ binh thuộc Đại đội 671, Tiểu đoàn 73, Đại đoàn 316, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

La Văn Cầu sinh ra và lớn lên trong một gia đình vốn có mối thù sâu với đế quốc, phong kiến. Cha bị giặc Pháp bắt, đánh dập dã man, sau kiệt sức rồi chết. Đồng chí phải sống vất vả cực khổ ngay từ nhỏ. Cách mạng tháng Tám thành công, được cán bộ tuyên truyền giác ngộ, đồng chí hiểu rõ nguồn gốc sự khổ cực của người nghèo và người dân mất nước. Năm 1948, La Văn Cầu mới 16 tuổi đã khai tăng lên 18 để vào bộ đội. Được toại nguyện, đồng chí rất phấn khởi, trong đời sống hàng ngày, luôn gương mẫu tự rèn luyện, giúp đỡ dìu dắt những đồng chí yếu cùng tiến bộ, được anh em rất quý mến. Đồng chí đã chiến đấu 29 trận, trận nào cũng thể hiện rõ tinh thần gương mẫu, dũng cảm, kiên quyết vượt qua khó khăn, chấp hành nghiêm mệnh lệnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Trong trận phục kích địch ở Bông Lau (năm 1949), đồng chí đã xung phong vào tổ xung kích. Khi nổ súng, có lệnh xung phong, đồng chí dũng cảm xông lên, khi phát hiện 1 tên Pháp ngồi trên xe tăng, đồng chí nhanh chóng tiêu diệt và nhanh nhẹn nhảy lên xe cướp súng. Ngoảnh lại sau đã thấy 3 tên lính Pháp khác chạy đến, đồng chí liền dùng khẩu súng vừa cướp được bắn gục cả 3 tên rồi nhảy xuống xe, tiếp tục truy lùng, diệt thêm 6 tên nữa.   

Trong chiến dịch Biên Giới, trận đánh đồn Đông Khê lần thứ nhất (năm 1950), đồng chí bị đau chân nhưng vẫn kiên quyết xin đi chiến đấu. Khi trận đánh gặp khó khăn, đơn vị bạn bị thương vong nhiều, đồng chí đã động viên anh em trong tiểu đội, hầu hết là tân binh, băng bó và cõng hết thương binh về nơi an toàn. Trên đường rút về, địch nhảy dù phản kích ta, mặc dù chân đau và rất mệt, đồng chí vẫn cố vác khẩu 12 ly 7 thu được của địch về tới đơn vị.        

Trận Đông Khê lần thứ hai (năm 1950), La Văn Cầu được phân công chỉ huy tổ bộc phá làm nhiệm vụ phá hàng rào và đánh lô cốt đầu cầu. Phá được hai hàng rào thì tổ bị thương hai đồng chí. Địch tập trung bắn dữ dội vào cửa mở, phá hủy mất một số bộc phá ống. Để dành bộc phá đánh lô cốt, đồng chí đã động viên anh em trong tổ tháo gỡ mìn của địch và dũng cảm xông lên dùng mìn phá nốt hai hàng rào cuối cùng. Khi tiến đánh lô cốt thì tổ bị thương hết, chỉ còn lại một mình, nhưng đồng chí không ngần ngại vẫn hăng hái tìm cách xông lên hoàn thành nhiệm vụ của tổ bộc phá. Vượt rào được đến hào giao thông thứ ba thì đồng chí bị thương và ngất đi. Tỉnh dậy thấy cánh tay phải bị đạn bắn gãy nát, nghĩ đến nhiệm vụ chưa hoàn thành, đồng chí đã cố quay trở lại, gặp đồng đội, đồng chí khẩn thiết yêu cầu chặt hộ cánh tay để khỏi vướng rồi lại tiếp tục ôm bộc phá xông lên, phá tan lô cốt đầu cầu, mở đường cho đơn vị xung phong diệt gọn vị trí địch. Tấm gương của La Văn Cầu đã cổ vũ phong trào thi đua diệt giặc lập công trong đơn vị, là lá cờ đầu trong phong trào thi đua sử dụng bộc phá công đồn, một hình thức chiến thuật mới của bộ đội chủ lực ta từ chiến dịch Biên Giới.         

La Văn Cầu đã được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng ba. Trong Đại hội liên hoan Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất tháng 5 năm 1952, đồng chí được Chính phủ và Hồ Chủ tịch tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất.       

Ngày 19 tháng 5 năm 1952, La Văn Cầu được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

la van cau

Khi tổng kết chiến dịch Biên giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã biểu dương chiến sỹ trẻ La Văn Cầu và gọi ông là ‘một trong những lá cờ đầu trong phong trào giết giặc lập công”. Sau đó, La Văn Cầu cùng một số chiến sỹ thi đua yêu nước được lên Chiến khu Việt Bắc diện kiến Bác Hồ.

Ở tuổi ngoài 80, anh hùng La Văn Cầu vẫn còn rất minh mẫn. Ông nói về quá khứ với giọng trầm buồn bởi mỗi khi nhớ lại, hình ảnh những người đồng đội xưa như hiện về. Trong câu chuyện với tôi hôm ấy, ông cứ tiếc nuối vì mình bị thương quá sớm nên không có cơ hội để tham gia nhiều trận đánh hơn nữa. Thế nhưng với tôi, ở tuổi mươi đôi mươi mà có thể tham gia 25 trận đánh không phải là con số bé nhỏ gì.

Trong buổi ghi hình chủ đề “Ăn no đánh thắng” để kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ của chương trình Giai điệu tự hào, khi máy quay bắt hình vào Đại tá La Văn Cầu, nhiều người vô cùng ngỡ ngàng bởi trong suy nghĩ của mọi người, La Văn Cầu là một tượng đài và với những vết thương chi chít trên người, ông khó giữ sức khỏe tốt. Thế nhưng khi nhìn ông khỏe mạnh kể chuyện về những năm tháng xưa cũ trên chiến trường Đông Khê với một giọng nói đầy tinh thần thép, khán giả vỡ òa cảm xúc. Không ít bạn trẻ đã không cầm được nước mắt khi được tận mắt nhìn thấy huyền thoại sống một thời của lực lượng vũ trang nhân dân. Trong bộ quân phục, trông ông thật uy nghiêm.

Buổi ghi hình quá dài so với dự kiến nên ông không thể tham gia được đến cuối chương trình bởi ngoài vết thương do bom đạn xưa, ông mới được phát hiện bị bệnh tim và phải đeo máy trợ tim. Ông đùa “may nhờ cái máy này chứ nếu không có khi về với đồng đội rồi”.

Trong một cuộc trò chuyện với tôi ngoài lề, ông có chia sẻ rằng, khi đánh nhau thì hăng hái lắm, bị thương cũng không sợ. Thế nhưng khi trận đánh kết thúc, nhìn cánh tay phải bị tháo đến bả vai, cũng có lúc ông bi quan lắm bởi giàu hai con mắt khó đôi bàn tay. Với người xuất thân nông dân như ông, bàn tay phải khỏe mạnh để đi cày thì nay đã mất nên ông lo lắng làm sao để kiếm sống? Làm sao để lấy vợ và nếu lấy vợ có con rồi thì làm gì để nuôi con…? Trong thời điểm tâm lý hoang mang nhất, ông được gặp Bác Hồ, sự thân tình của Người và lời động viên “thương binh tàn nhưng không phế” giống như liều thuốc quý, trợ giúp tinh thần ông phấn chấn hơn để đối diện với sự khắc nghiệt của đời sống sau này.

Anh hùng giữa đời thường

Bước ra khỏi trận đánh và đối diện với cuộc sống thực, ông tập làm việc bằng tay trái, tập viết và sau đó đăng ký đi học. Sau đó, ông được phân công về công tác ở Phòng Tổ chức quân khu I, rồi làm cán bộ Bảo tàng Quân đội… Ở cương vị nào ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ cho đến tháng 8/1996 ông về hưu.

Ngoài những vết thương thời chiến để lại, mỗi khi trái gió trở trời lại mưng mủ, ông còn phải đeo máy trợ tim vì mới phát hiện bệnh tim. Dẫu vậy thì với ông, tất cả mọi thứ đều không có gì đáng sợ bởi khi bước qua cái chết, mọi thứ chẳng còn gì phải sợ nữa rồi.

la van cau

Ông – người anh hùng trong trái tim của bao thế hệ Việt Nam, là minh chứng hào hùng nhất cho sự hy sinh quên mình vì tổ quốc, là niềm tự hào lớn lao của lớp lớp trẻ phía sau bởi những gì đang hiện hữu trên con người ông chính là “vật chứng” rõ ràng nhất mà chiến tranh đã để lại. Chính những mất mát ấy cho chúng ta hôm nay được sống bình yên.

https://www.youtube.com/watch?v=z54HFf3sfQw

Leave a Reply

Your email address will not be published.