Lý Thường Kiệt – Mãnh tướng tài giỏi và lối đánh táo bạo

ly thuong kiet

Lý Thường Kiệt sinh năm 1019, mất năm 1105, là người làng Cơ Xá, Quảng Đức, nay là Phúc Xá Ba Đình. Ông tên thật là Ngô Tuấn, tự Thường Kiệt, con trai của Sùng tiết tướng quân Ngô An Ngữ. Theo Phả hệ họ Ngô ở Việt Nam, ông là con cháu của Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập, con trưởng của Ngô Quyền.

Văn ôn võ luyện từ nhỏ, lớn lên lại lập nhiều công trạng nên Lý Thường Kiệt rất được nhà vua trọng dụng. Ví như năm 1069, ông được vua Lý Thánh Tông cử làm tướng tiên phong trong trận đánh với Champa; lập được công lớn, Ngô Tuấn được phong Phụ quốc Thái úy, tước Khai quốc Công và ban cho họ Lý nên có tên Lý Thường Kiệt

Đến những năm 1075, nhà Tống gặp nhiều rối ren do cải cách của tể tướng Vương An Thạch không đem lại hiệu quả, chúng mong tìm lối thoát bằng cách xâm lược nước ta.

Nhận thấy mưu đồ đó, vua tôi nhà Lý hội đàm tìm đối sách. Trong lúc này, Lý Thường Kiệt tự tin đưa ra ý kiến:

“Ngồi yên đợi giặc sao bằng đem quân đánh trước để chặn các mũi nhọn của giặc”.

Ông cũng là viên tướng đầu tiên trong lịch sử nước ta đề ra và thực hiện đối sách đó. Bên cạnh chiến lược “Tiên phá chế nhân”, Lý Thường Kiệt chủ động lập lại đoàn kết trong triều, đề nghị Linh Nhân thái hậu cho gọi Lý Đạo Thành về trao chức Thái Úy, cùng bàn việc chính sự.

Những chiến thuật, cách đánh táo bạo của Lý Thường Kiệt

Đến năm 1075, Lý Thường Kiệt chỉ huy 10 vạn đại quân, chia thành 2 đạo, đánh thẳng sang đất Tống. Trong đó, đạo quân bộ sẽ do phó tướng Tôn Đản chỉ huy đánh thẳng Ung Châu (Quảng Tây) còn thủy quân do Lý Thường Kiệt trực tiếp dẫn đầu, theo đường biển đổ bộ Liêm Châu, Khâm Châu (nay là Quảng Đông).

Tuy rằng đem quân sang tiến đánh nhà Tống trước nhưng Lý Thường Kiệt cũng thể hiện được tấm lòng nhân đức của mình khi ra quân lệnh, tuyệt đối không được động tới cái kim sợi chỉ của người dân.

Trong các trận đánh phải công thành, Lý Thường Kiệt dùng cách đánh cường công kết hợp với nhiều chiến thuật khác như đánh chặn, tiến công bao vây, tập kích, đột kích và đặc biệt là cho quân đào hầm, đánh từ dưới đất chui lên… khiến cho quân địch hoang mang, ngơ ngác, không biết phải chống chọi như thế nào.

Kết quả, Lý Thường Kiệt nhanh chóng chiếm được châu Liêm và châu Khâm, rồi nhanh chóng hội quân ở Ung Châu cùng phó tướng Tôn Đản quyết chiếm châu Ung bởi đây chính là cứ điểm quan trọng nhất của cả chiến dịch. Sau hơn 42 ngày vây hãm, Ung Châu cuối cùng không thể chịu được sự công phá mãnh liệt của quân ta và chịu thất thủ.

ly thuong kiet

Trận đánh sông Như Nguyệt vang danh sử sách của quân dân nhà Lý.

Nhận thấy chiến dịch đã đạt được thành quả như mong muốn, Lý Thường Kiết cho rút quân về nước và chuẩn bị chu đáo cho công tác chống giặc sắp tới. Trước khi về, ông không quên ra lệnh cho binh lính đốt sạch quân lương, hủy sạch kho tàng của quân địch tại đây.

Với chiến thắng áp đảo đó, Lý Thường Kiệt đã đẩy nhà Tống từ thế chủ động rơi vào tình cảnh thất thế ngay trong giai đoạn chuẩn bị tiến công. Bên cạnh đó, chính chiến thuật này đã buộc kẻ địch phải kéo dài thời gian chuẩn bị, vô hình chung giúp quân, dân Đai Việt có thêm nhiều thời giờ chuẩn bị hơn.

Bên phía nước ta, Lý Thường Kiệt chủ động dựa vào địa hình hiểm trở, núi non sông nước để xây dựng phòng tuyến phòng thủ. Cụ thể, ông cho xây dựng thành đất kiên cố ở bờ Nam sông Như Nguyệt (sông Cầu ngày nay), bên ngoài là cọc tre dày đặc, và lực lượng thủy quân sẵn sàng chiến đầu nếu kẻ địch muốn vượt sông.

Nhận đòn đau, đến 9/3/1076, vua Tống sai Quách Quỳ, Triệu Tiết thống lĩnh đại quân sang xâm lược nước ta.

Cuối năm 1076, Quách Quỳ, Triệu Tiết đem theo hơn 30 vạn quân, trong đó có 10 vạn bộ binh, 1 vạn ngựa chiến và 20 vạn dân phu, Với đoàn quân hùng hậu kết hợp với dụ dỗ, quân Tống nhanh chóng vượt qua các tù trưởng miền núi, tiến sâu vào đất Đại Việt.

Nhưng thế công ào ạt đấy bất ngờ bị chặn đứng tại sông Như Nguyệt. Tại đây, Quách Quỳ không vội tấn công mà chờ thủy quân để kết hợp đánh cùng. Nhưng đoàn thủy binh đó bị quân ta chặn đánh tại trận Đông Kênh, không thể tiến sâu được.

ly thuong kiet

Do không thể chờ đợi hợp quân, Quách Quỳ 2 lần tổ chức vượt sông. Không những không hiệu quả mà chúng còn bị tổn thất nặng nề. Hắn thất vọng đến mức ra lệnh: “Ai bàn đánh sẽ chém”. 

Sau 2 tháng phòng ngự thông minh kết hợp với các chiến thuật phục kích, tập kích, khiến quân địch mệt mỏi, đầu năm 1077, Lý Thường Kiệt quyết định mở cuộc phản công trên quy mô lớn và đã giành thắng lợi vang dội, quân Tống đại bại, thương vong tới 5,6 phần.

Nhận thấy đại cục đã ổn, Lý Thường Kiệt chủ động giảng hòa, kết thúc chiến tranh, tránh cảnh lầm than cho con dân Đại Việt. Sau chiến công này, Lý Thường Kiệt được vua Lý Nhân Tông ban hiệu Thiên Tử Nghĩa Đệ.

Lời bình

Cái mà mọi người thường hay biết đến Lý Thường Kiệt chủ yếu là bài thơ thần bên bờ sông Như Nguyệt. Nhưng cái để sử sách ghi tên ông chính là tài cầm quân; Lý Thường Kiệt thắng lợi là bởi đã biết linh hoạt sử dụng các chiến thuật tấn công, phòng thủ và các cách đánh quấy phá khiến quân địch không biết phải đối phó như thế nào.

Ông cũng chính là 1 trong 4 vị tướng tài giỏi nhất lịch sử Việt Nam bên cạnh những cái tên như Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Võ Nguyên Giáp.

https://www.youtube.com/watch?v=KxIrGyb3Yvk

Leave a Reply

Your email address will not be published.