Nguyễn Trung Trực – vị thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa chống Pháp cuối thế kỷ XIX có câu nói bất hủ “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam, thì mới hết người Nam đánh Tây”, tên tuổi ông là niềm cảm phục và tự hào của người dân Nam bộ. Thế nhưng, không phải người Bình Định nào cũng biết gốc gác của ông là ở Bình Định…

Nguyễn Trung Trực (1839 – 1868) là thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa chống Pháp vào nửa cuối thế kỷ 19 ở Nam Bộ, Việt Nam. Sinh ra dưới thời Minh Mạng, thuở nhỏ ông có tên là Chơn. Từ năm Kỷ Mùi (1859) đổi là Lịch (Nguyễn Văn Lịch, nên còn được gọi là Năm Lịch), và cũng từ tên Chơn ấy cộng với tính tình ngay thật, nên ông được thầy dạy học đặt thêm tên hiệu là Trung Trực.

nguyen trung truc

Nguyên quán gốc Nguyễn Trung Trực ở xóm Lưới, thôn Vĩnh Hội, tổng Trung An, huyện Phù Cát, trấn Bình Định (ngày nay là thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát). Ông nội là Nguyễn Văn Đạo, cha là Nguyễn Văn Phụng (hoặc Nguyễn Cao Thăng), mẹ là bà Lê Kim Hồng

 Cuộc đời của Nguyễn Trung Trực

Sau khi hải quân Pháp nhiều lần bắn phá duyên hải Trung Bộ, gia đình ông phải phiêu bạt vào Nam, định cư ở xóm Nghề (một xóm trước đây chuyên nghề chài lưới), làng Bình Nhựt, tổng Cửu Cư Hạ, huyện Cửu An, Phủ Tân An (nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) và sinh sống bằng nghề chài lưới vùng hạ lưu sông Vàm Cỏ. Không rõ năm nào, lại dời lần nữa xuống làng Tân Thuận, tổng An Xuyên.(nay là xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau)

Ông là con trưởng trong một gia đình có 8 người con. Lúc nhỏ, ông rất hiếu động, thích học võ nên khi lớn lên ông là người có thể lực khỏe mạnh, giỏi võ nghệ và là người có nhiều can đảm, mưu lược. Sớm phiêu bạt vào Nam từ nhỏ, vì thế, cuộc đời và sự nghiệp của cụ gắn với miền Tây Nam bộ. Là người tinh thông võ nghệ và có lòng yêu nước nồng nàn, khi còn trẻ chàng trai họ Nguyễn đã ý thức được sự xâm lược của thực dân nên đã sớm có tư tưởng chống Pháp. Cuộc đời của cụ gắn với hai sự kiện nổi tiếng trong các phong trào chống Pháp lúc bấy giờ.

Tượng Nguyễn Trung Trực

Sự nghiệp của Nguyễn Trung Trực

    Trận đầu tiên diễn ra vào năm 1861 trên vàm Nhựt Tảo (huyện Tân Trụ, tỉnh Long An ngày nay). Cụ và các nghĩa binh là nông dân giả làm đám rước dâu trên sông để tiếp cận và đốt cháy tàu L’Esperance của quân Pháp. Chiến công này làm dấy lên phong trào chống Tây ngay sau khi đại đồn Chí Hòa thất thủ vào ngày 25-2-1861.   

Tiếng tăm của Nguyễn Trung Trực vang dội, làm binh lính Pháp phải dè dặt. Nhậm chức Lãnh binh, Nguyễn Trung Trực đưa quân về hoạt động ở các tỉnh miền Tây. Cụ đưa quân về trấn giữ Hà Tiên nhưng chậm một bước so với quân Pháp. Thay vì phải trở ra Bình Thuận theo lệnh triều đình, Nguyễn Trung Trực đưa quân xuống khu vực sông Cái Lớn (Kiên Giang) để chờ thời cơ. Uy tín của cụ đã lan rộng nên dễ dàng tập hợp được người yêu nước trong cộng đồng Kinh-Hoa-Khmer ở địa phương. 

nguyen trung trục

 Nguyễn Trung Trực luôn kiên trì kháng chiến

     Trận thứ hai diễn ra vào lúc 4 giờ sáng 16-6-1868, Nguyễn Trung Trực dẫn quân xuất phát từ Tà Niên (nay là xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, Kiên Giang) đánh úp đồn Kiên Giang, gây hoang mang trong quân lính Pháp. Sau đó, cụ kéo quân về Hòn Chông-Kiên Lương rồi ra Phú Quốc để tiếp tục chiến đấu.     

Về sau, thi sĩ Huỳnh Mẫn Đạt quê ở Rạch Giá đã nhắc đến cụ qua hai câu thơ ghi lại hết công trạng của ông tại Long An và Kiên Giang: “Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa; Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần.”   

Nhưng quân Pháp quá mạnh, cuộc kháng chiến của Nguyễn Trung Trực sớm kết thúc. Không cam tâm để đồng đội bị đói khát, dân thường bị giết hại vô tội, cụ Nguyễn phải đầu hàng tại Phú Quốc

Sự  hi sinh của Nguyễn Trung Trực

Sau khi đưa Nguyễn Trung Trực về Gia định tìm cách dụ dỗ không thành .Địch áp dải cụ về Kiên Giang .Sau đó, cụ bị xử chém đầu tại chợ Rạch Giá. Người dân nghe hung tin, nhất là người dân Tà Niên, đã tổ chức dệt chiếu trải cho cụ đứng khi bị xử tử.  Trước khi chết, cụ Nguyễn mở mắt nhìn bầu trời quê hương, nhìn những người cụ từng thọ ơn cưu mang cùng đồng đội trong thời gian qua. Cụ Nguyễn Trung Trực dõng dạt hô lớn: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here