Lê Tần – Người đóng góp không nhỏ vào chiến thắng Mông Nguyên

le tan

Trong chiến thắng đầu tiên đầy ý nghĩa đó, tướng lê Tần đã đóng góp một phần xứng đáng. Trong lễ thưởng công, vua Trần Thái Tông đã nói với ông những lời cảm kích

Sử sách không ghi chép gì về ngày, tháng, năm sinh mất của ông. Trong Đại Việt Sử ký toàn thư, những ghi chép đầu tiên về ông bắt đầu từ năm 1250 và kết thúc vào năm 1278, khi vợ ông là Chiêu Thánh công chúa mất.

Lê Tần , người Ái Châu, là một danh tướng của triều đại nhà Trần, phục vụ trải các triều Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông.

Năm 1251, sau khi thôn tín được lãnh thổ Trung Quốc,  Mông Ke – vua Mông Cổ đã sai tướng Uryangkhađai từ Đại Lý (vùng Vân Nam Trung Quốc) đem quân đánh thốc xuống nước ta.

Trước khi tiến vào, Uryangkhađai đã nhiều lần cho sứ sang dụ vua Trần hàng phục  Nhưng Trần Thái Tông (1218-1277) đã cương quyết không chịu. Ông cho bắt giam tất cả sứ giả của chúng đồng thời xúc tiến công cuộc chuẩn bị kháng chiến, xuống chiếu cử Trần Quốc Tuấn chỉ huy các tướng phòng thủ vùng biên giới Lạng Sơn.

Thấy âm mưu dọa dẫm vua Trần thất bại, Uryangkhađai cho quân tiến vào xâm lược nước ta. Ngày 17 tháng 1 năm 1258, quân Mông Cổ chọc thủng phòng tuyến biên giới phía Bắc, tiến gần Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay. Vua Trần Thái Tông đã trực tiếp chỉ huy chiến đấu, cho dàn voi, ngựa bên này sông Cà Lồ đợi giặc. Uryangkhađai tưởng dễ thắng nên ra lệnh cho viên tướng tiên phong của y rằng: “ Quân ngươi khi đã qua sông, đừng đánh vội, chúng tất đến chống ta. Một cánh quân ta cắt hậu quân của chúng, người rình cướp lấy thuyền. Quân “man” sẽ tan vỡ chạy, song không có thuyền tất bị ta bắt”.

Nhưng kế hoạch chủ quan của Uryangkhađai đã bị tan thành mây khói trước sức chống trả quyết liệt của quân ta. Bấy giờ, tướng tiên phong bên ta là Lê Tần đã tỏ ra hết sức dũng cảm. Ông hiên ngang trên mình ngựa, xông pha đốc thúc quân sĩ chiến đấu rất ngoan cường.

Từ rút lui chiến lược đến phản công thắng lợi

Song, lực giặc rất mạnh, Lê Tần thấy đánh chưa lợi, bèn khuyên vua rút lui để bảo toàn chủ lực. Mặc có  ý kiến phản đối Lê Tần, khích vua cứ ở lại “liều một trận”, nhưng  Trần Thái Tông đã nghe theo ý kiến sáng suốt của Lê Tần mà cho quân lui. Quân giặc đuổi theo bắn như mưa.  Lê Tần chỉ huy quân dùng ván thuyền vừa che đỡ bảo vệ vua, vừa đánh trả địch, bảo đảm cho cuộc rút lui trót lọt. Kế hoạch bắt sống vua tôi nhà Trần của Uryangkhađai đã thất bại. Y trút cơn thịnh nộ, đòi xử tội viên tướng tiên phong, khiến tên này hoảng quá phải  uống thuốc tự tử.

Quân ta lui về Thăng Long, địch cũng đuổi theo sát nút. Lê Tần lại tham mưu với  vua và triều đình quyết định rút ra khỏi kinh thành để tránh tổn thất, đồng thời thực hiện triệt để chính sách “vườn không nhà trống” nhằm triệt đường sống của địch. Khi chiếm được Thăng Long, quân giặc thấy kho tàng trống rỗng, chỉ còn lại mấy viên sứ giả của chúng đang bị trói chặt bằng thừng tre, khi mở trói thì một tên đã chết. Bọn địch lồng lộn,  cho quân tàn phá, đốt trụi cung điện, nhà cửa cho hả giận…

Sau khi thực hiện cuộc rút lui chiến lược, lực lượng ta ngày càng tập hợp thêm đông đảo. Trái lại, kẻ địch một mặt lâm vào tình trạng thiếu lương ăn do hính sách “vườn không nhà trống” , một mặt không quen đường sá, thủy thổ, bị quân ta tập kích khắp nơi, nên càng tỏ ra hoang mang, nao núng. Thấy thời cơ đã đến, vua Trần cho quân chuyển sang phản công, đánh cho quân Mông Cổ đại bại, giải phóng kinh đô Thăng Long. Uryangkhađai, viên tướng khét tiếng nhất của giặc phải bỏ chạy. Tàn quân Mông Cổ vừa sợ hãi, vừa mệt mỏi đến mức không còn dám cướp bóc dọc đường, và nhân dân ta  thậm chí đã gọi chúng là “ giặc Phật”(!).

Viên Chánh sứ khôn khéo và vị Thiếu sư toàn tài

Ca khúc khải hoàn, trở lại Thăng Long, vua Trần đã tiến hành ngay việc thưởng công cho các tướng sĩ.

le tan


Người đầu tiên được vua khen thưởng là tướng Lê Tần. Ông được đổi tên là Lê Phụ Trần (nghĩa là người đã giúp nhà Trần) rồi được phong là Ngự sử đại phu – chức quan có quyền khuyên răn vua. Đặc biệt, vua đã đem Chiêu Thánh Công chúa, tức Lý Chiêu Hoàng, vốn trước là vợ vua, mà gả cho ông ( vì Chiêu Thánh không có con, nên Thái sư Trần Thủ Độ đã ép vua phải ly dị với nàng).

Vừa tạm nghỉ việc chinh biến, Lê Tần liền được cử làm chánh sứ sang Trung Quốc, thực hiện chủ trương hòa hiếu với Mông Cổ, gìn giữ hòa bình cho đất nước. Với tài ngoại giao của mình, ông đã khiến triều đình Mông Cổ không đòi lễ vật tiến cống hàng năm mà quy định lại: cứ 3 năm mới phải triều cống một lần.

Đến năm 1274, Lê Tần được thăng chức Thiếu Sư và vời vào cung làm thầy dạy  Thái tử. Năm năm sau đó, Thái tử lên ngôi vua. Đó là Trần Nhân Tông (1258-1308),  vị vua văn võ toàn tài đã lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống xâm lược Mông Cổ thắng lợi sau này. Đức độ và tài năng của Trần Nhân Tông có được là nhờ công dạy dỗ của người thầy Lê Tần.

Sau khi đánh bại nhà Tống, thôn tính toàn bộ Trung Quốc, năm 1285, giặc Mông – Nguyên lại đem 50 vạn quan ồ ạt tiến sang nước ta lần thứ hai. Lần này, Lê Tần được cử cùng với Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, đem 3 vạn quân vào giữ đất Nghệ An, kìm bước tiến quân của giặc đánh từ trong ra.

Người cha của những dũng tướng lừng danh

Theo sử sách Lê Tần quê ở Ái Châu, vốn dòng dõi Lê Đại Hành (có ý kiến cho rằng ông sinh trưởng ở Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Những nhà nghiên cứu mới đây còn cho biết thêm Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng, vị dũng tướng ở trận Đà Mặc trong cuộc kháng chiến chống Mông Nguyên xâm lược lần thứ hai, với câu nói đi vào lịch sử: “Ta thà làm ma nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc” chính là con trai của Lê Tần.

Cuộc kháng chiến chống Mông Nguyên lần thứ nhất của nhân dân ta thắng lợi, có một ý nghĩa hết sức quan trọng, vì đã tạo nên cho vương triều Trần và quần chúng niềm tin: kẻ địch dù có hung hãn, hùng mạnh bao nhiêu cũng có thể bị đánh bại. Đồng thời đây còn là cuộc tập dượt chiến đấu của nhân dân Đại Việt, chuẩn bị cho hai cuộc kháng chiến sau.

Trong chiến thắng đầu tiên đầy ý nghĩa đó, tướng lê Tần đã đóng góp một phần xứng đáng. Trong lễ thưởng công, vua Trần Thái Tông đã nói với ông những lời cảm kích sau: “Trẫm không có khanh thì đâu lại có ngày nay. Khanh hãy cố gắng để cùng được trọn vẹn về sau”.

Lê Tần đã thực hiện được lời mong mỏi nói trên của vua. Con cháu của ông về sau như Trần Bình Trọng, Trần Khát Chân, đều là những tướng lĩnh dũng cảm, tài ba trong các cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc. Triều Trần đã phong cho Lê Tần và những người nối nghiệp ông thái ấp ở vùng Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, thuộc khu vực gần thành nhà Hồ bây giờ.

https://www.youtube.com/watch?v=1BL-x8EWEv4

Leave a Reply

Your email address will not be published.