Trần Thủ Độ là người có ảnh hướng lớn nhất đến lịch sử Đại Việt trong suốt nửa thế kỷ thay triều đổi đại từ Lý sang Trần. Ông theo bác mình là Trần Lý và anh họ là Trần Tự Khánh giúp nhà Lý đánh dẹp loạn khắp nơi, được phong làm Điện tiền chỉ huy sứ. Vua Lý Huệ Tông bệnh nặng lại không có con trai, Trần Thủ Độ đã để vua nhường ngôi cho con gái là Lý Chiêu Hoàng, rồi lại bàn bạc với các triều thần khác để Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh. Từ đó, nhà Lý chấm dứt, nhà Trần lên thay.
Tuy có ảnh hưởng lớn như vậy nhưng nguồn gốc xuất thân của Trần Thủ Độ không được các sách chính sử như “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, “An Nam chí lược”, hay “Lịch triều hiến chương loại chí” chép rõ. Có nguồn sử liệu cho rằng Trần Thủ Độ người làng Lưu Xá, huyện Ngự Thiên, lộ Long Hưng (nay là xã Canh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), lúc nhỏ ở với bác của mình là Trần Lý. Nhưng những thông tin ít ỏi này không thể nói rõ hết thân thế của Trần Thủ Độ.
Nguồn gốc xuất thân
Trong cuốn “gia phả họ Trần” có ghi chép rằng họ Trần khởi nguồn ở Kinh Bắc (Bắc Ninh ngày nay) suốt 1.000 năm, bắt đầu từ thời Trần Tự Minh, đến thời Trần Tự Viễn thì nổi tiếng bởi dòng võ học của mình. Để tránh dòng võ Đông A của mình xung đột với phái võ Hoa Sơn của nhà Lý (cùng ở vùng Kinh Bắc), nên đến đời Trần Tự Mai họ Trần đã chuyển võ đường đến Đông Triều, Chí Linh.
Đến đời Trần Tự Kinh thì họ Trần chuyển về Thái Đường nhờ biết được một vị trí phong thủy tốt. Trần Tự Kinh có con là Trần Tự Hấp và Trần Tự Duy. Con trưởng Trần Tự Hấp là cố của vua Trần Thái Tông. Con thứ là Trần Tự Duy sinh được Trần Thủ Huy.
Là người giỏi võ nghệ và có tài thao lược, Trần Thủ Huy đã có công lớn dẹp loạn trừ gian trong hoàng tộc nhà Lý nên được nhà vua gả công chúa Đoan Nghi và trở thành phò mã tài ba của triều đình.
Thế nhưng sau này nghe theo lời gièm pha, nhà vua đã bắt Trần Thủ Huy và công chúa Đoan Nghi đi sứ phương xa tận nước Kim, nước Liêu (thuộc Mông Cổ ngày nay). Đường xá xa xôi, trên một bến đò, công chúa Đoan Nghi trở dạ sinh được một bé trai, công chúa muốn đặt tên cho con trai có chữ “đò” để ghi nhớ sự kiện này. Trần Thủ Huy liền đặt tên cho con là “Độ” có nghĩa là “bến đò”. Từ đó đứa trẻ được mang tên Trần Thủ Độ.
Trần Thủ Độ lớn lên nơi thảo nguyên Mông Cổ, nên bị ảnh hưởng bởi văn hóa vùng thảo nguyên. Sau này sứ của nhà Lý đến Mông Cổ đón phò mã và công chúa về, nhưng Trần Thủ Huy thấy nhà Lý bội bạc với mình nên quyết định không trở về nữa. Vậy là công chúa Đoan Nghi mang theo con là Trần Thủ Độ trở về Đại Việt.
Bất hạnh thay, công chúa Đoan Nghi mất trên đường trở về. Đến Đại Việt, Trần Thủ Độ ở với bác của mình là Trần Lý. Đến thời điểm này các sử liệu mới đề cập về Trần Thủ Độ, các giai đoạn tuổi thơ khi ông ở Mông Cổ thì nhiều sách sử đều không hề biết đến.
Lớn lên ở nơi thảo nguyên, văn hóa Mông Cổ đã ăn sâu vào nếp nghĩ của Trần Thủ Độ. Chính vì thế mà những quyết định hết sức khó hiểu, thậm chí trái với đạo lý của Trần Thủ Độ bị các nhà sử học kịch liệt phê phán. Không ai biết rằng đó là do ảnh hưởng văn hóa Mông Cổ mà ông đã trải qua từ thở nhỏ.
Lấy hoàng hậu nhà Lý
Chuyện Trần Thủ Độ lấy hoàng hậu nhà Lý (cùng họ Trần) bị người đời sau cho là hành vi đê hèn và trái luân thường. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Thủ Độ coi việc đó là hết lòng trung, lo việc nước, nhưng có biết đâu thiên hạ đời sau chỉ mặt gọi là giặc giết vua, huống chi lại còn làm thói cho lợn.” Hàm ý rằng hành vi của Trần Thủ Độ như là cầm thú súc vật. Nhưng sự việc này lại có nguyên nhân sâu xa hơn nhiều.
Trong bài “Người phụ nữ giúp Trần Quốc Tuấn giữ chức Quốc Công Tiết Chế đánh bại quân Nguyên Mông“, chúng ta đã có dịp bàn tới màn đánh cuộc tử vi nổi tiếng giữa Huệ Túc phu nhân và vua Thái Tông về thái sư Trần Thủ Độ (bấy giờ vua nói giả Trần Thủ Độ là ông lão làm vườn). Trần Thủ Độ sinh vào giờ Tỵ ngày 6 tháng 6 năm Giáp Dần 1194, được Huệ Túc phu nhân phán về tình duyên như sau:
Cung thê của tiên sinh có Phá quân, ngộ Hóa quyền, Thai, lại bị Kiếp, Không chiếu thì duyên tình của tiên sinh rối như mớ bòng bong. Cho đến giờ này cũng chưa xong, còn chạy như ngựa nhong nhong.
Năm trên mười tuổi, tiên sinh gặp một người. Rồi hai người thề non, hẹn biển, định cuộc trăm năm, không cần mai mối, cũng chẳng thỉnh mệnh cha mẹ. Mà dù cha mẹ có cản trở, tiên sinh cũng không nghe nào!
Hai người xa nhau. Nàng tuân lệnh cha mẹ lấy chồng. Tiên sinh hóa điên, hóa khùng, nhưng nhất quyết trung thành với nàng. Vì vậy khi chồng nàng qua đời, tiên sinh với nàng nối lại tình xưa. À, có một điều tiểu nữ nói tiên sinh đừng giận. Kể về uy quyền, thì tiên sinh thuộc loại vương bất vi vương, bá bất vi bá, nhi quyền khuynh thiên hạ. Nghĩa rằng tiên sinh chẳng là vua, cũng chẳng là bá, mà quyền nghiêng thiên hạ. Thế nhưng, bất cứ một người ở địa vị cao sang cũng năm thế bẩy thiếp. Riêng tiên sinh thì chỉ biết có một phu nhân mà thôi!
Đây chính là lời giải cho hành vi lấy hoàng hậu nhà Lý, cùng họ Trần, của Trần Thủ Độ.
Khi Trần Thủ Độ ở nhà bác mình là Trần Lý, từ thuở thiếu thời đã để ý đến Trần Thị Dung, con của Trần Lý và là chị họ của mình. Theo tập tục họ Trần lúc ấy thì anh chị em họ cách nhau 3 đời thì có thể được kết hôn. Hơn nữa, ảnh hưởng bởi văn hóa Mông Cổ nên Trần Thủ Độ không cảm thấy có gì bất hợp lý khi yêu thương Trần Thị Dung. Hai người thề non hẹn biển mà hầu như không ai được biết.
Sau này để tránh nạn Quách Bốc, thái tử Sảm phải nương nhờ Trần Lý, thấy Trần Thị Dung xinh đẹp liền lấy làm vợ. Rồi thái tử lên ngôi vua gọi là Lý Huệ Tông, phong vợ Trần Thị Dung là nguyên phi, sau đó phong làm hoàng hậu
Bấy giờ Trần Thủ Đô bị mất người mình yêu thì rất căm hận thái tử Sảm, tuy nhiên vẫn theo Trần Lý và Trần Tự Khánh đánh dẹp các loạn đảng, để mong có cơ hội được gần Trần Thị Dung.
Sau này, Trần Thủ Độ dù làm quan to lên đến Điện tiền chỉ huy sứ, nhưng khác với những người khác có năm thê bảy thiếp, ông vẫn một mình đơn chiếc, cả đời ông chỉ có một mối tình duy nhất với Trần Thị Dung. Khi nhà Trần lên thay nhà Lý, Trần Thủ Độ đã cưới Trần Thị Dung, bất chấp đạo lý luân thường tại Đại Việt.
Giết hại hoàng tộc nhà Lý
Khi xem lá số cho Trần Thủ Độ, Huệ Túc phu nhân cũng nói rằng:
Thiên hình miếu địa ở mệnh, thì dù tiên sinh chịu ơn ai một bát cơm, sau sẽ trả bằng một kho thóc. Bị ai mắng một câu, sau này tiên sinh sẽ tru di tam tộc nhà người ta.
Cả đời Trần Thủ Độ chỉ biết đến một người là Trần Thị Dung, mối tình này bắt đầu từ khi còn rất nhỏ, thế nhưng thái tử Sảm nhà Lý đã lấy mất người con gái này, Trần Thủ Độ cũng không thể làm gì khi người đó là thái tử, nhưng ông hận trong lòng từ đó.
Hơn nữa, Trần Thủ Độ biết rằng cha mình là Trần Thủ Huy cũng không muốn về Đại Việt vì hận triều đình nhà Lý đã đối xử bất công. Trần Thủ Huy đã từng cứu Thái tử Lý Long Xưởng, giúp nhà Lý trừ nội gian trong triều, dẹp yên các loạn đảng. Thế nhưng chỉ vì nghe theo lời của kẻ dèm pha mà phò mã Trần Thủ Huy cùng công chúa Đoan Nghi bị đẩy đến tận vùng Mông Cổ xa xôi.
Đúng như Huệ Túc Phu Nhân nói, “bị ai mắng một câu, sau này tiên sinh sẽ tru di tam tộc nhà người ta”, Trần Thủ Độ đã diệt hoàng tộc nhà Lý bởi hai mối hận lớn trong lòng.
Người trong dòng họ lấy nhau
Trần Thủ Độ chủ trương là người trong hoàng tộc chỉ lấy người trong dòng họ. Các sử gia xưa nay vẫn cho rằng nhà Trần thông qua hôn nhân mà lấy được ngôi của nhà Lý, vì thế để đảm bảo ngôi vị vững bền, Trần Thủ Độ đã yêu cầu người trong dòng họ kết hôn với nhau, tránh việc bị người khác cướp ngôi.
Thực ra còn có một nguyên nhân khác là Trần Thủ Độ lớn lên tại thảo nguyên Mông Cổ, nơi đó anh em con chú con bác, cô cậu hay con dì đều có thể lấy nhau; phụ nữ tái giá là việc bình thường và đương nhiên; các Khả hãn ở Mông Cổ có nhiều vợ, với ai có công lao với mình thì Khả hãn cũng có thể đem một số phi tần nhường lại cho họ.
Bởi vậy có thể lý giải được tại sao khi hoàng hậu không thể sinh con trai cho vua Trần Thái Tông thì Trần Thủ Độ đưa vợ của anh vua là Trần Liễu đang mang thai 3 tháng đến làm vợ vua. Đây là quan niệm trên thảo nguyên ảnh hưởng.
Điều này cũng được Huệ Túc Phu Nhân đề cập đến khi xem lá số tử vi cho Trần Thủ Độ:
Nhưng tiếc rằng cung quan ngộ Thiên không(*), nên tiên sinh hành sự bất chấp luật pháp, chẳng kể đạo lý. Có lúc tiên sinh thành người nửa chính, nửa tà, nửa ma, nửa quỷ. Tiểu nữ e muôn nghìn năm sau còn bị dị nghị. Nhưng… dù ai dị nghị, thì chỉ dị nghị về cá nhân tiên sinh. Còn đối với đất nước, quả thật công nghiệp cũng như tấm lòng của tiên sinh sáng như trăng rằm, không ai chê trách được.
Như vậy dù không chấp nhận những việc làm loạn luân thường đạo lý của Trần Thủ Độ, nhưng chúng ta có thể hiểu hơn về con người ông, về cuộc đời vốn nhiều bí ẩn của ông.