Hai bên giao tranh nhiều trận, chiến đấu rất ác liệt nhưng không phân thắng bại. Triệu Quang Phục thực hiện đường lối đánh địch lâu dài ngày giữa vùng đồng bằng và đánh bằng chiến tranh du kích, vừa tiêu hao sinh lực địch mà vẫn bảo toàn được lực lượng. Ông cho quân lui về dựng căn cứ mới ở Dạ Trạch (huyện Khoái Châu).

Triệu Quang Phục (? – 571) là con thái phó Triệu Túc, quê ở huyện Chu Diên (nay thuộc huyện Khoái Châu). Năm 541 ông theo cha tham gia khởi nghĩa Lý Bôn đánh đuổi giặc Lương, có nhiều công lao được phong Tả tướng quân. Năm Giáp Tý (544) khởi nghĩa thành công, Lý Bôn lên ngôi, xưng là Nam đế, đặt niên hiệu là Thiên Đức, tên nước là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên. Năm sau (545) Lương Võ Đế lại sai Trần Bá Tiên đem quân sang xâm lược nước ta. Thế giặc mạnh, Lý Nam Đế không chống nổi, rút vào giữ động Khuất Lão (vùng Tam Nông – Phú Thọ ngày nay), điều chỉnh binh lính, mưu tính chiến đấu về sau, giao cho đại tướng là Triệu Quang Phục cầm quân chống Bá Tiên.

Hai bên giao tranh nhiều trận, chiến đấu rất ác liệt nhưng không phân thắng bại. Triệu Quang Phục thực hiện đường lối đánh địch lâu dài ngày giữa vùng đồng bằng và đánh bằng chiến tranh du kích, vừa tiêu hao sinh lực địch mà vẫn bảo toàn được lực lượng. Ông cho quân lui về dựng căn cứ mới ở Dạ Trạch (huyện Khoái Châu).

trieu quang phuc

Dạ Trạch ngày ấy là một vùng đầm lầy ven sông Hồng rộng mênh mông, lau sậy um tùm, ở giữa là một bãi rộng có thể làm ăn sinh sống. Đường vào bãi người ngựa không đi được, chỉ dùng thuyền độc mộc nhẹ lướt trên cỏ nước theo mấy con lạch nhỏ thì mới tới được. Theo sử cũ, Triệu Quang Phục đem hơn hai vạn người vào đóng ở bãi đất nơi ấy, ngày ngày quân sĩ thay phiên nhau luyện tập, phát ruộng trồng lúa, trồng khoai để tự túc lương thực, ban ngày tắt hết khói lửa, im hơi lặng tiếng như không có người, đêm đến dùng thuyền độc mộc đem quân ra đánh quân Bá Tiên, giết nhiều giặc, cướp được nhiều lương thực. Người trong nước suy tôn là Dạ Trạch Vương Triệu Quang Phục

Lập căn cứ kháng chiến ở đồng bằng, đó là kế sách dụng binh hết sức mưu lược và sáng suốt của Triệu Quang Phục. Vùng đồng bằng tuy không có thế đất hiểm như miền đồi núi, nhưng có nhiều sông lạch chia cắt, nhiều đầm hồ lầy lội không lợi cho việc hành binh của những đạo quân lớn. Địa thế như vậy, buộc địch phải phân tán, chia quân đánh nhỏ làm mất sở trường của chúng, đồng thời tạo điều kiện cho ta tiêu diệt gọn từng bộ phận nhỏ, tiêu hao sinh lực địch. Với kế sách “Trường kỳ kháng chiến, lấy ít dịch nhiều, lấy yếu đánh mạnh, đánh tiêu hao là chính”, đã làm cho tình thế thay đổi ngày càng có lợi cho ta, bất lợi cho địch. Qua gần 4 năm chiến đấu (547-550) ta càng đánh càng mạnh, quân Lương càng suy yếu.

Tháng 4 năm 548, Lý Nam Đế mất ở động Khuất Lão. Tướng sĩ tôn Triệu Quang Phục lên thay Lý Nam Đế, nhưng ông chỉ xưng Vương, lấy hiệu là Triệu Việt Vương. Cũng trong năm ấy, triều Lương xảy ra loạn Hầu Cảnh, Trần Bá Tiên bị gọi về nước, trao quyền cho tùy tướng là Dương Sàn ở lại tiếp tục cuộc chiến với Triệu Quang Phục. Lợi dụng thời cơ đó, Triệu Quang Phục từ căn cứ Dạ Trạch, mở một loạt cuộc tấn công lớn vào quân giặc. Dương Sàn chết trận, quân Lương tan vỡ.

Đất nước sạch bóng quân xâm lược, Triệu Việt Vương vào đóng ở thành Long Biên, kế tục sự nghiệp của nhà Tiền Lý, kiến thiết đất nước. Đến năm 557, Lý Phật Tử, vốn là cháu của Lý Bôn, khi trước chạy vào động Dã Năng, ở thượng du Thanh Hóa bây giờ, đem  quân xuống để gây chiến với Triệu Việt Vương. Sau một thời gian đánh nhau bất phân thắng phụ, hai phe Triệu – Lý tạm thời hòa hoãn và chia nhau địa giới ở bãi Quần Thần (vùng Thượng Cát, Hạ Cát thuộc Từ Liêm – Hà Nội), cùng kết mối thông gia. Con trai Lý (Nhã Lang) lấy con gái Triệu (Cảo Nương). Lý đóng ở Ô Diên, Triệu đóng ở Long Biên.

Năm 571, do mất cảnh giác trước hành động lừa đảo của cha con Lý Phật Tử, Triệu Quang Phục thua trận, thất thế rút chạy về phía Nam, cùng đường ông gieo mình xuống cửa biển Đại An (nay thuộc tỉnh Nam Định) tự vẫn.

Thương tiếc và nhớ ơn ông, người anh hùng cứu nước, nhân dân nhiều nơi lập đền thờ ở đền Dạ Trạch (Khoái Châu) bài vị Triệu Quang Phục được đặt bên bài vị Chử Đồng Tử – Tiên Dung.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here