Đinh Thị Vân – Nữ tình báo hoạt động cách mạng thời chiến

dinh thi van

Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đinh Thị Vân nhận nhiệm vụ vào Sài Gòn giúp các cơ quan bảo vệ xác minh trả lại danh tính chính trị cho những đồng chí của ta hoạt động trong lực lượng địch, lập hồ sơ khen thưởng những người có công với cách mạng.

Đinh Thị Vân (1916 – 1995), tên thật là Đinh Thị Mậu.  Bà sinh ra trong một gia đình nhà nho giàu lòng yêu nước ở làng Đông An, xã Xuân Thành, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Được anh trai là Đinh Lai Hạp và Đinh Thúc giác ngộ, vận động, bà tham gia hoạt động cách mạng, làm giao liên, cất giữ tài liệu bí mật của Đảng và tham  gia tổ chức “Ái hữu tương tế”, nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ cách mạng. Thời gian này, bà lập gia đình với một người cùng quê, từ đó mọi người thường gọi tên bà theo tên chồng là Vân và từ đây, cái tên Đinh Thị Vân bắt đầu gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng và trở thành huyền thoại về một nữ cán bộ trong ngành tình báo Việt Nam.

Trong thời kỳ Cách mạng tháng Tám năm 1945, bà hăng hái vận động nhân dân tham gia tổng khởi nghĩa ở hai huyện Xuân Trường và Giao Thuỷ.

Ngày 30/6/1946, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và liên tục giữ các chức vụ Huyện uỷ viên huyện Xuân Trường, uỷ viên Ban Thường vụ Phụ nữ cứu quốc tỉnh Nam Định. Từ năm 1951 – 1953, bà là Hội trưởng hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nam Định.

Hy sinh hạnh phúc và chịu án oan để hoàn thành nhiệm vụ

Tháng 6/1954, Đinh Thị Vân được điều động đến Cục Nghiên cứu Tổng Tham mưu – Bộ Quốc phòng (Tiền thân của Tổng cục II). Bà được giao nhiệm vụ về Hà Nội hoạt động bí mật trong lòng địch, gây dựng cơ sở, tìm hiểu những ý đồ chiến lược của địch.

Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, bà đã chủ động đề nghị với lãnh đạo đồng thời khuyên chồng lấy vợ khác để có thể thay bà chăm sóc mẹ già yếu, chồng bị đau ốm luôn.

Trước giờ lên đường, chị Vân được tổ chức báo tin chồng chị đã bằng lòng kết hôn với chị Nguyễn Thị Sen ở huyện Vụ Bản, Nam Định. Chị âm thầm nén nỗi lòng riêng, mừng cho anh vì từ nay, anh đã có người thay chị chăm sóc, yên tâm lên đường làm nhiệm vụ.

Với giấy thông hành mang tên Trần Thị Mỹ, bà lên Hà Nội cùng một đồng chí liên lạc tên Hà trong vai chị dâu đi thăm em chồng đang trong Quân đội Quốc gia. Đến Hà Nội, chỉ trong một thời gian ngắn, bà đã xây dựng được một số cơ sở tin cậy ở nội thành.

Chấp hành chỉ thị mở rộng địa bàn xuống Hải Phòng, Đinh Thị Vân tìm cách vượt qua mạng lưới kiểm soát dày đặc của địch, thu thập và cung cấp nhiều tin tức quan trọng cho cấp trên.

dinh thi van

Tháng 10/1954, Đinh Thị Vân nhận lệnh bí mật vào Nam với vai người đi buôn vào Nam kiếm sống. Từ “vỏ bọc” đó, trong những ngày chân ướt chân ráo đặt trên đất Sài Gòn hoa lệ, chị Đinh Thị Vân đã tìm mọi cách ngụy trang che mắt địch, vừa hoạt động vừa có điều kiện buôn bán kiếm sống.

Từ đấy, ngày ngày, “dì Sáu di cư” (tên bà con xóm nghèo gọi chị Vân) trĩu nặng trên đôi vai gầy gánh guốc đi bán rong khắp ngõ phố Sài Gòn… từng bước, hòa vào nhịp sống Sài Gòn.

Tại thời điểm này, để hỗ trợ cho hoạt động của chị, cấp trên quyết định thông báo: “Đinh Thị Vân đã phản Đảng, bỏ nhiệm vụ chạy trốn vào Nam. Tuyên án tử hình vắng mặt”. Tin dữ lan truyền quá nhanh, anh em đồng chí, họ hàng, quê hương… đều bàng hoàng, sửng sốt.

“Vụ án chính trị” này đã khiến nhiều anh em, con cháu ruột thịt của chị trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa bị “vạ lây” suốt trong nhiều năm, nhưng đã đánh hỏa mù vào cơ quan mật vụ của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho chị Vân hoàn thành nhiệm vụ.

Kết quả hoạt động bước đầu của chị ở Sài Gòn trên cương vị một tổ trưởng điệp báo đã được cấp trên đánh giá rất cao, nhiều anh em trong mạng lưới từ Hà Nội theo đường di cư vào Nam mới trong thời gian ngắn đã tìm được cách chui sâu vào hàng ngũ địch.

Lưới tình báo do bà xây dựng đã cung cấp cho quân ta nhiều tin tức có giá trị góp phần vào chiến công chung của ngành tình báo, mặc dù bà chưa một ngày học qua nghiệp vụ điệp viên. Một trong những thành tích đáng kể là điều tra tỉ mỉ hệ thống phòng ngự của quân đội Sài Gòn ở Nam vĩ tuyến 17 trong giai đoạn 1959 – 1960. Đinh Thị Vân cùng với mạng lưới của mình còn lập nhiều chiến công khác như thông tin kịp thời về việc Mỹ sẽ đổ quân vào Nam Việt Nam sau khi chiến lược chiến tranh đặc biệt thất bại hay biết trước được kế hoạch của cuộc hành quân Junction City giúp quân ta chủ động đối phó làm thất bại âm mưu của chúng. Để có được những thành công đó, Đinh Thị Vân đã dày công xây dựng một mạng lưới tình báo rất kỳ công. Đó là một việc làm rất lâu dài và cẩn trọng.

Tháng 8/1959, Đinh Thị Vân bị một tên phản bội chỉ điểm. Bị bắt và tra khảo dã man nhưng bà không khai nửa lời. Khi bị giải đến Sở Thú, bà lấy ghim cài tóc, khắc vào tường dòng chữ: “Tôi là Trần Thị Mỹ, bị bắt ngày 19-8-1959, qua an ninh quân đội, trại Vân Đồn, trại Lê Văn Duyệt. Hôm nay quay về đây, tôi sẵn sàng chết ở đây”.

Cuối năm 1963 đầu năm 1964, lợi dụng sự thay đổi chính quyền nguỵ còn nhiều sơ hở, với bản lý lịch người đi buôn bị bắt oan do quân ta bố trí và vận động bằng nhiều cách, ngày 28/5/1964, Đinh Thị Vân được trả tự do.

Ra tù, bà lập tức kiểm tra lại an toàn mạng lưới, rồi tìm cách chắp nối liên lạc với các đồng chí và cấp trên để nhận nhiệm vụ tìm hiểu ý đồ chiến lược của Mỹ – nguỵ với vai một người đi buôn vải, đan bít tất khoán, bán hàng tạp hoá…

Tháng 3/1969, bà được điều chuyển ra Hà Nội làm công tác huấn luyện cho đội ngũ những chiến sĩ trẻ tiếp bước làm nhiệm vụ đặc biệt.

dinh thi van

Ngày 25/8/1970, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân  – anh hùng đầu tiên của ngành tình báo quốc phòng, với lời tuyên dương: “Đồng chí Thiếu tá Đinh Thị Vân là một cán bộ mẫu mực trung thành, tận tuỵ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quan trọng trong hoàn cảnh rất khó khăn”.

Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đinh Thị Vân nhận nhiệm vụ vào Sài Gòn giúp các cơ quan bảo vệ xác minh trả lại danh tính chính trị cho những đồng chí của ta hoạt động trong lực lượng địch, lập hồ sơ khen thưởng những người có công với cách mạng.

Năm 1977, bà được thăng hàm trung tá. Năm 1990, Đinh Thị Vân được thăng vượt cấp lên Đại tá. Bà được Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Chiến công hạng Nhất; 2 Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Quân kỳ Quyết thắng…

Ngày 11/12/1995, Bà mất tại Hà Nội, thọ 79 tuổi.

https://www.youtube.com/watch?v=2j8nPo1YZB4

Leave a Reply

Your email address will not be published.