Người Cao Lan đã đóng góp làm giàu kho tàng văn hoá dân gian của tỉnh nhà, trong đó không thể không nói tới truyền thống hát Sịnh ca đậm đà tình yêu cuộc sống.
Người Cao Lan đến vùng ven chân núi Tam Đảo sinh cơ lập nghiệp, khai phá nương đồi, lập làng, bản đông vui sầm uất từnhiều thế kỷ trên vùng đất “Sáng trong và bình yên” xã Quang Yên, huyện Lập Thạch.
Dân số chỉ khoảng 1.500 người, song người Cao Lan đã đóng góp làm giàu kho tàng văn hoá dân gian của tỉnh nhà, trong đó không thể không nói tới truyền thống hát Sịnh ca đậm đà tình yêu cuộc sống.
Những bài hát ví của vị chúa thơ Lau – Slam sáng tạo ra, được nam nữ thanh niên Cao Lan bao đời nay mến mộ và học thuộc, được tập hợp lại thành sách rồi hát cho nhau nghe 36 đêm không hết. Sịnh-ca có nội dung phong phú, tươi sáng ca ngợi tình yêu lứa đôi, ca ngợi tình đoàn kết, tình yêu quê hương, nhân sinh quan của con người trước những hiện tượng thiên nhiên, đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác.
Người Cao Lan đã hát (tạm dịch):
“Quả ớt dù cay cũng ăn cả vỏ
Quả chuối dù ngọt cũng bỏ vỏ ngoài”.
Và họ tự hào:
“Thơ ca của vị chúa thơ ca làm ra
Hát ba mươi sáu ngày đêm chưa hết”.
“Giọng hát nàng trong như tiếng chim
Nhớ mãi câu hát của nàng
Ngày mưa đội chung nón
Ngày nắng che chung ô…”.