Trần Hưng Đạo trở về Vạn Kiếp hiệu triệu 20 vạn quân Nam, và thảo bài Dụ chư tỳ tướng hịch văn (thường gọi là Hịch tướng sĩ) để khuyên răn tướng sĩ, đại ý khuyên binh sĩ học tập và rèn luyện võ nghệ, khuyên các tướng học tập trận pháp theo sách Binh thư yếu lược, chuẩn bị cho cuộc chiến tranh Nguyên Mông-Đại Việt lần 2.
Dụ chư tỳ tướng hịch văn (諭諸裨將檄文), thường được gọi là Hịch tướng sĩ, là bài hịch viết bằng văn ngôn của Trần Hưng Đạo viết cuối thế kỷ 13 trước cuộc chiến tranh Nguyên Mông-Đại Việt lần 2.
Sơ lược về tác giả
Trần Hưng Đạo (? – 1300), còn được gọi là Hưng Đạo Đại Vương là một nhà chính trị, quân sự, tôn thất hoàng gia Đại Việt thời Trần. Ông được biết đến trong lịch sử Việt Nam với việc chỉ huy quân đội đánh tan hai cuộc xâm lược của quân Nguyên – Mông năm 1285 và năm 1288.
Ông nguyên có tên khai sinh là Trần Quốc Tuấn. Phần lớn tài liệu nghiên cứu lịch sử và cả dân gian thời sau thường dùng tên gọi vắn tắt là “Trần Hưng Đạo” thay cho cách gọi tên đầy đủ và trang trọng hơn là “Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn” dành cho ông. Cách gọi tên các danh nhân theo kiểu vắn tắt này là phổ biến dưới thời phong kiến ngày xưa.
Hưng Đạo đại vương là tước phong chính thức cao nhất do vua nhà Trần ban tặng cho Trần Quốc Tuấn lúc sinh thời do công lao trận mạc của ông và tước “Hưng Đạo đại vương” có cấp bậc cao hơn tước “Hưng Đạo vương” dù cùng thuộc hàng vương tước được ban cho những người thân cận trong hoàng tộc nhà Trần đương thời
Hoàn cảnh
Tháng 12 năm Giáp Thân 1284, hiệu Thiệu Bảo năm thứ 6, đời Trần Nhân Tông, đại binh Thoát Hoan tiến đánh Chi Lăng, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn thất thế đưa quân chạy về Vạn Kiếp. Vua Nhân Tông thấy thế giặc mạnh, cho mời Hưng Đạo Vương về Hải Dương mà phán rằng:“Thế giặc to như vậy, mà chống với chúng thì dân chúng bị tàn sát, nhà cửa bị phá hại, hay là trẫm sẽ chịu hàng để cứu muôn dân ?”
Hưng Đạo Vương tâu:“Bệ hạ nói câu ấy là lời nhân đức, nhưng Tôn miếu Xã tắc thì sao? Nếu Bệ hạ muốn hàng, xin trước hết hãy chém đầu thần đi đã, rồi sau hãy hàng !!”
Vua Trần Nhân Tông nghe thế yên lòng. Hưng Đạo Vương trở về Vạn Kiếp hiệu triệu 20 vạn quân Nam, và thảo bài Dụ chư tỳ tướng hịch văn (thường gọi là Hịch tướng sĩ) để khuyên răn tướng sĩ, đại ý khuyên binh sĩ học tập và rèn luyện võ nghệ, khuyên các tướng học tập trận pháp theo sách Binh thư yếu lược, chuẩn bị cho cuộc chiến tranh Nguyên Mông-Đại Việt lần 2.
Tác phẩm Hịch tướng sĩ
Hịch là thể văn nghị luận thời xưa, thường được vua, chúa tướng lĩnh một phong trào dùng để cổ động, thuyết phục hoặ kêu gọi chống thù trong giặc ngoài, hoặc dùng dể hiểu dụ, răn dạy thần dân và người dưới quyền
Hịch tướng sĩ được công bố vào tháng 9 năm 1284 tại cuộc duyệt binh ở bế Bộ Đầu trước cuộc kháng chiến chông mông nguyên lần 2
Bố cục của Hịch tướng sĩ
Bài Hịch được chia làm 4 phần:
- Phần 1: Từ đầu … lưu tiếng tốt: Nêu gương sáng trong sách sử
- Phần 2: Tiếp theo … cũng vui lòng: Tố cáo sự ngang ngược của kẻ thù và nói lên lòng căm thù giặc
- phần 3: Tiếp theo … có được không? :Phân tích phải trái, làm rõ đúng sai
- Phần 4: Còn lại: Nhiệm vụ cấp bách, khích lệ tinh thần chiến đấu
Nhận định Hịch tướng sĩ của Ngô Tất Tố
Ngô Tất Tố viết rằng bài Dụ chư tỳ tướng hịch văn cho thấy, không những Hưng Đạo Vương là võ tướng mà ông còn có tài học vấn, đọc nhiều sách và thông hiểu nhiều điển tích cổ kim.
Bản dịch của Ngố Tất Tố
Ta thường nghe: Kỷ Tín lấy thân chết thay, cứu thoát được vua Cao-đế; Do Vu chìa lưng chịu giáo che chở được vua Chiêu-vương; Dự Nhượng nuốt than để trả thù cho thầy; Thân Khoái chặt tay để gánh nạn cho nước; Uất Trì Cung một viên tướng nhỏ, còn biết che đỡ Đường-chủ, ra khỏi vòng vây của Thế Sung; Nhan Cảo-Khanh là bầy tôi xa, còn biết mắng chửi Lộc Sơn, không nghe lời dụ của nghịch-tặc. Từ xưa, những bậc trung-thần nghĩa-sĩ, lấy thân theo nước, đời nào là không có đâu? Nếu mấy người kia, chăm chăm học thói dút-dát của con gái trẻ con, chẳng qua cũng đến chết dũ ở dưới cửa sổ, đâu được ghi tên vào trong thẻ tre lụa trắng, danh tiếng cùng trời đất cùng lâu bền?
Các người đời đời là con nhà võ, không biết chữ nghĩa, nghe những chuyện ấy, thảy đều nửa tin nửa ngờ. Thôi thì những việc cổ xưa, hãy để đó không nói đến nữa. Nay ta hãy đem chuyện nước Tống, giống Thát(là chuyện gần đây) kể cho các người cùng nghe: Vương công Kiên là người gì? Nguyễn văn Lập tỳ-tướng của y lại là người gì, chỉ có vòng thành Điếu-ngư nhỏ bằng cái đấu hai người ấy chống nổi toán quân trăm vạn của Mông-kha, khiến cho con dân nước Tống, đến nay hãy còn nhớ ơn. Đường ngột Ngại là người gì? Xích tu Tư tỳ-tướng của y lại là người gì? xông pha lam-chướng trên đuờng muôn dặm, hai người ấy đánh được quân Nam-chiếu trong vài tuần, khiến cho vua chúa giòng Thát nay còn để tiếng!
Huống chi ta với các ngươi, sinh ở buổi rối ren, lớn lên nhằm khi khó nhọc, chính mắt ngó thấy sứ ngụy đi lại, đường xá nghẽn-ngang, chúng múa cái lưỡi cú quạ làm nhục chốn triều-đình, chúng giơ cái thân chó dê, kiêu ngạo với quan tể-phụ; chúng nhờ mệnh lệnh của chúa Mông-Cổ, mà đòi nào ngọc nào lụa, sự vòi vĩnh thật vô cùng; chúng mượn danh hiệu của vua Vân-nam mà hạch nào bạc nào vàng; của kho đụn đã hồ hết Cung-đốn cho chúng giống như đem thịt mà liệng cho cọp đói, sao cho khỏi lo về sau?
Ta thường thì tới bữa quên ăn, giữa đêm vỗ gối, nước mắt tràn xuống đầy mép, tấm lòng đau như bị đâm, vẫn lấy cái sự chưa thể ăn thịt nằm da, nuốt gan uống máu của chúng làm tức. Dẫu cho một trăm cái thân của ta phải đem đốt ở đồng cỏ, một nghìn cái thân của ta phải đem bọc vào da ngựa, ta cũng vui lòng. Các ngươi lâu nay ở dưới cửa ta cầm giữ binh-quyền, thiếu áo thì mặc áo cho, thiếu ăn thì sẻ cơm đỡ, quan nhỏ thì cho lên chức, bổng ít cho thêm lương, đi thủy cấp thuyền, đi bộ cấp ngựa, những khi trận mạc, sự sống thác thầy chung với trò, những lúc mừng khao, tiếng vui cười ai cũng như nấy. So với Công Kiên làm chức thiên-lý, Ngột Ngại ở ngôi phó nhị, có khác gì đâu.
Thế mà các ngươi thấy chủ bị nhục chẳng lấy làm lo, gặp nước bị dơ chẳng lấy làm thẹn, làm tướng nhà nước phải hầu mấy đứa chum mường, mà không có lòng căm hờn, nghe khúc nhạc thờ đem thết một tên ngụy sứ, mà không có vẻ tức giận; kẻ thì chọi gà cho thích, kẻ thì đánh bạc mua vui, có người chỉ chăm vườn ruộng, cốt nuôi được nhà; có người chỉ mến vợ con, lấy mình làm trọng; cũng có kẻ chỉ lo làm giàu làm có, việc quân quốc chẳng thèm đoái hoài, cũng có người chỉ ham về săn-bắn mà quên việc binh, hoặc là đam mùi rượu ngọt, hoặc là mê tiếng hát hay.
Một khi giặc Mông đến nơi, thì cựa con gà nòi không thể đâm thủng áo-giáp của giặc; thuật ở bàn bạc không thể đem làm mưu mẹo ở trong quân; vườn ruộng tuy giàu, tấm thân ấy nghìn vàng khôn chuộc; vợ con tuy sẳn, trong đám ba quân khó dùng, của cải tuy nhiều, không thể mua được đầu giặc; chó săn tuy khỏe, không thể đuổi được quân thù, rượu ngon không đủ để cho giặc phải mê; hát hay không đủ làm cho giặc phải điếc; lúc đó thầy trò ta sẽ cùng bị trói, đáng đau đớn biết chừng nào! Nếu thế, chẳng những là thái-ấp của ta không còn, mà bổng-lộc của các ngươi cũng bị kẻ khác chiếm mất; chẳng những là gia- quyến của ta phải đuổi, mà vợ con của các ngươi cũng bị kẻ khác bắt đi; chẳng những xã tắc của tổ tông ta sẽ bị dày xéo, mà đến mồ mả của cha mẹ ngươi cũng sẽ bị kẻ khác đào lên, chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục, và trăm kiếp khác tiếng nhơ khôn rửa, tên xấu vẫn còn, mà gia thanh của các ngươi cũng chẵng khỏi mang tiếng là nhà bại tướng. Đã đến khi đó các ngươi muốn chơi bời cho thỏa, được chăng?
Nay ta bảo rõ các ngươi: cái chuyện dấm lửa đống củi phải lo, mà câu sợ canh thổi rau nên nhớ. Các ngươi hãy nên huấn luyện quân-sĩ, rèn-tập cung tên, khiến cho người người giỏi như Bàng Mông, nhà nhà đều là Hậu Nghệ, bêu đầu Tất-Liệt dưới cửa khuyết, ướp thịt Thoát-Hoan trong trại rơm. Như thế chẳng những là thái-ấp của ta mãi mãi là của gia truyền, mà bổng-lộc các ngươi cũng được suốt đời hưởng thụ; chẳng những gia- quyến của ta được yên giường nệm, mà vợ con các ngươi cũng được sum họp đến già; chẳng những là tông-miếu ta sẽ được muôn đời tế lễ, mà tổ tông các ngươi cũng được thờ cúng quanh năm; chẳng những thân ta kiếp này đắc chí, mà đến các người dưới trăm đời nữa tiếng thơm vẫn lưu truyền; chẳng những tên tuổi ta không bị mai một, mà đến tên họ các người cũng để tiêng thơm trong sử xanh. Khi ấy các ngươi không muốn vui chơi, được chăng?
Nay ta lựa chọn binh pháp các nhà, làm một quyển sách, đặt tên là sách “Binh-thư yếu-lược”. Nếu các ngươi biết chuyên-tập sách ấy, nghe lời dạy-bảo của ta, ấy là duyên thầy trò kiếp xưa; Nếu các ngươi bỏ bê sách ấy, trái lời dạy-bảo của ta, ấy là mối cựu thù kiếp xưa, Sao vậy? Bởi vì như vậy tức là kẻ thù không đội chung trời, thế mà các ngươi không nghĩ tới, điềm nhiên không lo đến sự rửa thẹn, không tinh; đến việc trừ hung, không nhớ đến chuyện dạy-tập quân-sĩ. Thế là giở giáo hàng giặc, nắm tay chống giặc. Rồi đây, sau khi dẹp yên quân giặc, các ngươi sẽ phải thẹn muôn đời, còn mặt-mũi nào đứng giữa khoảng trời đất che chở? Ta muốn các ngươi biết rõ bụng ta, nhân viết mấy lời đó làm hịch.