Nguyễn Công Trứ (1778-1858), tự là Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu là Hi Văn, người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Theo một số tài liệu, ông sinh ra ở Quỳnh Côi, Quỳnh Phụ (Thái Bình), đến năm 10 tuổi mới theo gia đình về quê cha ở Hà Tĩnh.
Năm 2018 là chẵn 240 năm ngày sinh và 160 năm mất Nguyễn Công Trứ. Nhân dịp này, một số hoạt động được tổ chức để tưởng nhớ ông, gần nhất là hội thảo “Nguyễn Công Trứ với lịch sử, văn hóa Việt Nam nửa đầu thể kỷ XIX” được tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức vào ngày 24/11.
Đỗ Giải nguyên ở tuổi 41, con đường làm quan nhiều thăng trầm
Từ nhỏ, Nguyễn Công Trứ đã sống trong cảnh nghèo khó nhưng luôn nuôi ý tưởng giúp đời, lập công danh, sự nghiệp. Mãi đến năm 1819, khi đã 41 tuổi, Nguyễn Công Trứ mới thi đỗ Giải nguyên và được bổ làm quan. Theo Danh nhân Việt Nam, ông làm quan ở các triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, nổi tiếng là thanh liêm, chính trực, tài trí hơn người.
Ông bắt đầu sự nghiệp làm quan với chức Hành tẩu Sử quán rồi dần lên tới các chức thượng thư, tổng đốc vì những thành tích trong quân sự và kinh tế. Thế nhưng, cũng nhiều lần, Nguyễn Công Trứ bị giáng phạt, thậm chí giáng liền ba bốn cấp, có lần bị phạt đi làm binh ở miền ven biên giới Quảng Ngãi.
Năm thứ 11 thời vua Minh Mạng, Nguyễn Công Trứ “được thụ Hữu Tham tri bộ Công, tạm giữ ấn triện bộ Hình, bỗng lại giáng làm Hữu thị lang, sung làm công việc Nội các. Lại nhân việc bị tội giáng bổ kinh huyện, rồi thăng lang trung phủ Nội vụ”. Có thể thấy, chỉ trong một năm, ông đã thăng giáng chức nhiều lần.
Năm 1847, ở tuổi 70, Nguyễn Công Trứ xin về hưu nhưng vua Thiệu Trị không cho. Đến năm 1848, dưới thời vua Tự Đức, ông mới được về hưu hẳn. Thế nhưng, đến năm Mậu Ngọ (1858), khi thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, tuy đã 80 tuổi, ông vẫn tha thiết xin vua Tự Đức được tòng quân đi đánh giặc. Nhưng thấy ông tuổi già sức yếu, vua đã không chuẩn y.
Lập ra hai huyện Tiền Hải và Kim Sơn
Nguyễn Công Trứ nhận thấy nhu cầu bức thiết của dân nghèo là cần có ruộng đất để sinh nhai đồng thời quan sát thấy nhiều nơi ruộng đất mênh mông lại hoang hóa, ông dâng sớ trình bày về việc cần vỡ ruộng hoang.
Bản sớ có đoạn “Ngày nay những dân nghèo túng, ăn dưng chơi không, khi cùng thì họp nhau trộm cướp, cái tệ không ngăn cấm được. Trước thần đến Nam Định thấy ruộng bỏ hoang ở các huyện Giao Thủy, Chân Định mênh mông bát ngát. Ngoài ra còn không biết mấy nghìn trăm mẫu hỏi ra thì dân địa phương muốn khai khẩn nhưng phí tốn nhiều, không đủ sức làm. Nếu cấp cho tiền công thì có thể nhóm họp dân nghèo mà khai khẩn, nhà nước phí tốn không mấy mà mối lợi tự nhiên sẽ đến vô cùng”, Đại Nam thực lục viết lại.
Trong bản sớ, ông cũng nói rằng phàm đất hoang có thể khai khẩn được, cho những người địa phương giàu có chia nhau trông coi công làm, chiêu mộ những dân nghèo các hạt đến khai khẩn, rồi cấp cho tiền công để làm cửa nhà, mua trâu bò nông cụ, cấp tiền gạo lương tháng trong hạn 6 tháng. Ngoài mức chu cấp ấy, người dân làm lấy mà ăn, 3 năm thành ruộng, đến chiếu lệ tư điền thì đánh thuế.
Đầu năm 1828, vua Minh Mạng lệnh cho Nguyễn Công Trứ giữ chức Dinh điền sứ. Đến Tiền Châu (Nam Định), Nguyễn Công Trứ nhanh chóng bắt tay vào việc khai hoang. Tháng 10, ông đã thành lập một huyện mới có tên là Tiền Hải thuộc phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định. Sau khi thành công, nhận thấy ở các huyện Yên Khánh, Yên Mô thuộc Ninh Bình một dải bãi biển còn nhiều đất hoang rậm, ông xin đến đo đạc. Đến tháng 3/1829, ông bắt đầu đặt huyện Kim Sơn.
Ngoài việc khai khẩn đất đai, Nguyễn Công Trứ còn có công làm yên những cuộc khởi nghĩa nông dân của Phan Bá Vành ở Nam Định, của Nùng Văn Vân ở Tuyên Quang… Ông chăm lo cho cuộc sống đói nghèo của nông dân, đề nghị “đặt nhà học” cho con em nhân dân, “đặt xã thương” ở các làng để quản lý thóc gạo và rất nhiều công việc khác nhằm đảm bảo cuộc sống cho dân.
‘Bài ca ngất ngưởng’ và những vần thơ ngông để đời
Không chỉ là nhà quân sự, nhà khẩn hoang, Nguyễn Công Trứ còn là nhà thơ nổi bật trong nền văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ 19. Ông có tài, lại là người của hành động. Trải qua nhiều thăng trầm, Nguyễn Công Trứ hiểu sâu sắc nhân tình thế thái đương thời. Ông đưa những suy ngẫm của mình vào thơ ca, thể hiện khí phách ngang tàng, tài hoa.
Thơ ca của Nguyễn Công Trứ xoay quanh các chủ đề như chí nam nhi, cảnh nghèo và thế thái nhân tình hay triết lý hưởng lạc. Có những câu thơ mà chỉ cần nhắc tới là người đời nghĩ ngay tới ông như “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông”, hay “Trời đất cho ta một cái tài/ Giắt lưng dành để tháng ngày chơi”.