Chiến dịch Việt Bắc Thu – Đông 1947 từ ngày 7/10 đến 20/12/1947 là chiến dịch phản công của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam nhằm đánh bại cuộc hành quân lớn của Pháp lên Việt Bắc, bảo vệ căn cứ địa và cơ quan đầu não kháng chiến.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), chiến thắng Việt Bắc Thu – Đông năm 1947 là một trong những sự kiện lịch sử có tầm chiến lược, tác động đến tiến trình của cuộc chiến tranh cách mạng Việt Nam.
Đối với thực dân Pháp, đó lại là một thất bại nặng nề cả về quân sự và chính trị; chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” với đòn quyết định nhằm đè bẹp đối phương, nhanh chóng kết thúc chiến tranh, dựng chính quyền bù nhìn tay sai, nô dịch dân tộc ta một lần nữa, hoàn toàn bị phá sản; buộc quân Pháp phải bị động thay đổi chiến lược, kéo dài chiến tranh ngoài ý muốn.
Chiến dịch Việt Bắc Thu – Đông 1947 từ ngày 7/10 đến 20/12/1947 là chiến dịch phản công của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam nhằm đánh bại cuộc hành quân lớn của Pháp lên Việt Bắc, bảo vệ căn cứ địa và cơ quan đầu não kháng chiến.
Tên gọi địa danh Việt Bắc – phần lãnh thổ phía Bắc của nước Việt Nam, xuất hiện trong thời kỳ vận động Cách mạng tháng Tám, bao gồm các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, nơi có nhiều đồng bào dân tộc ít người cùng chung sống, là căn cứ địa vững chắc của cách mạng Việt Nam.
Rừng núi Việt Bắc trùng điệp, địa hình hiểm trở. Đường bộ và đường thủy ít và độc đạo. Phía đông bắc có đường số 4 chạy dọc theo biên giới Việt – Trung từ Móng Cái đến Cao Bằng. Đường số 3 từ Hà Nội chạy lên giữa lòng Chiến khu Việt Bắc, đi Thái Nguyên, Bắc Cạn và tới Cao Bằng. Đường số 2 từ Hà Nội lên Việt Trì, Phú Thọ, tới Tuyên Quang, Hà Giang. Đường thủy dọc sông Hồng lên ngã ba Việt Trì, rẽ theo sông Lô lên Tuyên Quang, rẽ theo sông Gâm tới Chiêm Hóa.
Trước ngày toàn quốc kháng chiến, cuối tháng 10/1946, thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Lương Bằng từ Hà Nội trở lại Việt Bắc chuẩn bị căn cứ địa kháng chiến.
Các huyện Chợ Đồn (Bắc Cạn), Chiêm Hóa, Sơn Dương (Tuyên Quang), Định Hóa, Đại Từ (Thái Nguyên) được chọn làm An toàn khu.
Từ tháng 11/1946, để bảo toàn lực lượng, các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Mặt trận, Bộ Tổng chỉ huy lần lượt rời Hà Nội lên Việt Bắc để lãnh đạo, tổ chức kháng chiến lâu dài.
Các binh công xưởng, xí nghiệp, nhà máy, gần 63 nghìn đồng bào miền xuôi và hàng vạn tấn máy móc, nguyên vật liệu được vận chuyển, sơ tán lên Việt Bắc để quân và dân ta vừa sản xuất vừa tiếp tục chiến đấu.
Về phía địch, đầu năm 1947, sau “Giải pháp chính trị” lập chính phủ bù nhìn bế tắc, thực dân Pháp đã quyết định dùng “đòn quân sự” để giải quyết chiến tranh Việt Nam và Đông Dương.
Nhận rõ vị trí chiến lược của Việt Bắc, tướng Va-luy (Valluy) – Tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương đã giao cho tướng Xa-lăng (Salan) – Tư lệnh quân Pháp ở Bắc Đông Dương ráo riết chuẩn bị “Kế hoạch tiến công Việt Bắc”.
Tháng 6/1947, Va-luy bay về Pháp để thông qua “Kế hoạch tiến công Việt Bắc” trước nội các Ra-ma-đi-ê (Ramadier) và xin tăng viện (đầu tháng 7 Chính phủ Pháp đã thông qua kế hoạch này).
Ngay sau đó, 14 tiểu đoàn Âu – Phi trong lực lượng tăng viện đã đổ bộ lên miền Bắc Việt Nam. Một số đơn vị quân Pháp ở Nam Bộ cũng được điều gấp ra Bắc Bộ.
Lực lượng tham gia tiến công trên 10.000 quân gồm: 5 trung đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn dù, 2 tiểu đoàn pháo binh, 2 tiểu đoàn công binh, 3 đại đội cơ giới, 2 phi đội với 40 máy bay, 3 thủy đội xung kích với 40 tàu, xuồng.
Về phía ta, Bộ Tổng chỉ huy trực tiếp chỉ huy chiến dịch, đồng chí Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy trưởng. Lực lượng gồm 7 trung đoàn bộ binh của Bộ và các Khu 1, 10, 12, cùng với 30 đại đội độc lập và dân quân du kích 5 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang.
Diễn biến tóm tắt của chiến dịch qua hai đợt như sau:
Đợt 1 từ ngày 7/10 đến 20/11/1947:
Pháp huy động hơn 10.000 quân thuộc các đơn vị đã nói trên hình thành hai gọng kìm kẹp chặt căn cứ địa Việt Bắc, trọng điểm là càn quét khu tam giác Bắc Cạn – Chợ Đồn – Chợ Mới.
Trên hướng đông, ngày 7 và 8/10 lực lượng quân dù do viên đại tá Sô-va-nhắc (Sauvagnac) chỉ huy bất ngờ nhảy xuống đánh chiếm Bắc Cạn, Chợ Mới, Chợ Đồn, đồng thời cánh quân của đại tá Bô-phrê (Beaufré) từ Lạng Sơn tiến theo đường 4, phối hợp với một bộ phận quân dù chiếm Cao Bằng (ngày 11/10) rồi theo đường 3 xuống Bắc Cạn.
Hướng tây, cánh quân của Com-muy-nan (Communal) từ Hà Nội ngược sông Hồng, theo sông Lô, đường 2, sông Gâm lên Tuyên Quang (ngày 13 tháng 10), Chiêm Hóa (20/10).
Do phán đoán chưa đúng hướng tiến công của thực dân Pháp, ta bị bất ngờ lúc đầu nhưng Bộ Tổng chỉ huy đã đánh giá lại tình hình và qua nghiên cứu tài liệu về cuộc hành quân lấy được của địch, đã kịp thời điều chỉnh kế hoạch tác chiến.
Ta đã lập 3 mặt trận (Sông Lô, Đường số 4, Đường số 3), lấy đánh địch vận động trên bộ, trên sông là chính, tiến tới bẻ gãy từng gọng kìm của địch; đưa các đại đội độc lập về các địa phương phát động chiến tranh du kích.
Thực hiện chủ trương trên, ở hướng đông ta đánh nhiều trận phục kích trên đường số 4, nổi tiếng là trận Bông Lau (30/10). Ở Bắc Cạn – đường 3, tập kích Chợ Mới (15/10), Chợ Đồn (21/10).
Ở hướng tây, đánh nhiều trận phục kích trên bộ, trên sông như trận ki lô mét 7 đường Tuyên Quang – Hà Giang (22/10), trận Sông Lô (ngày 23, 24/10 và 10/11/1947)…
Pháp không thực hiện được ý định hội quân ở Đài Thị, lực lượng bị dàn mỏng và tiêu hao nặng, ngày càng gặp khó khăn về vận chuyển, tiếp tế, buộc phải rút lui cục bộ ở một số nơi như Bản Thi, Yên Thịnh (28/10), Chợ Đồn (13/11), Chợ Rã, Ngân Sơn (16/11)…
Đợt 2 từ ngày 21/11 đến 20/12/1947:
Bị thất bại trong các cuộc hành quân trên, từ ngày 21/11/1947 Pháp bắt đầu bí mật rút quân khỏi Việt Bắc, đồng thời điều lực lượng từ Hòa Bình ra càn quét Hưng Hóa, đánh chiếm Việt Trì, cho quân nhảy dù xuống Thái Nguyên, Cù Vân, La Hiên, Tràng Xá để tạo bàn đạp và yểm trợ cho việc rút lui.
Ta kịp thời tổ chức lực lượng đánh địch trên nhiều hướng: tập kích đồn Phủ Thông (30/11), phục kích nhiều trận ở Sơn Dương, Bình Ca, Đèo Khế, Phan Lương, Đèo Giàng (15/12)…
Các cánh quân Pháp trên đường rút chạy đều bị đánh thiệt hại nặng, kế hoạch “vành đai” không thực hiện “siết chặt” được mà bị băm nát. Ngày 19/12/1947, đại bộ phận quân Pháp rút khỏi Việt Bắc. Cuộc hành quân của chúng thất bại hoàn toàn.
Chiến dịch Việt Bắc Thu – Đông năm 1947 của ta đã hoàn thành thắng lợi. Quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu trên 7.200 tên địch, 18 máy bay địch bị bắn hạ, 16 tàu chiến và 38 ca nô bị đánh chìm, 255 xe các loại bị phá hủy. Ta thu 2 pháo 105mm, 7 pháo 75mm, 16 khẩu 20mm, 337 súng máy các cỡ, 45 Badôca, 1.660 súng trường, hàng chục tấn quân trang quân dụng.
Chiến thắng Việt Bắc Thu – Đông năm 1947 đã phá tan cuộc tiến công mùa đông của giặc Pháp, bảo vệ cơ quan đầu não kháng chiến, bảo toàn và nâng cao sức chiến đấu của bộ đội chủ lực, bảo vệ căn cứ địa Việt Bắc.
Ta đã bẻ gãy, đập tan cả bốn mục tiêu của thực dân Pháp; đập tan ý đồ chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh”, buộc chúng phải chuyển sang đánh lâu dài để đối phó với ta.
Đây là chiến dịch đầu tiên giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp, tạo ra bước ngoặt quan trọng, góp phần đưa cuộc kháng chiến của dân tộc ta phát triển sang một thời kỳ mới.
Với thắng lợi này, căn cứ địa Việt Bắc đã trở thành biểu tượng của niềm tin, của chiến thắng. Hai tiếng Việt Bắc thân yêu trở thành tên gọi của chiến công, đi vào lòng người, đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc, cổ vũ toàn dân, toàn quân ta trên mọi nẻo đường kháng chiến.
Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Việt Bắc (1947-2017), chúng ta càng tưởng nhớ đến đồng bào, đồng chí đã ngã xuống trên các mặt trận Sông Lô, Đường số 3, Đường số 4, mùa khô năm 1947; đồng thời tưởng nhớ đến các anh hùng, liệt sĩ trên các chiến trường khác trong suốt những năm chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc để chúng ta có được ngày nay.