Trong suốt hơn 60 năm hoạt động cách mạng, bằng cả Tâm, Đức, Trí, Dũng của mình Trường Chinh đã có nhiều đóng góp nổi bật và cống hiến lớn lao vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và dựng xây đất nước.
Đồng chí Trường Chinh, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiệt xuất trong những bước ngoặt của cách mạng Việt Nam.
Đồng chí Trường Chinh sinh ra trong một gia đình tri thức yêu nước ở một vùng quê giàu truyền thống lịch sử văn hoá. Truyền thống của quê hương và gia đình đã giáo dục, rèn luyện và hun đúc nên lý tưởng cách mạng của đồng chí. Năm 18 tuổi, đồng chí đã tham gia phong trào yêu nước rồi gia nhập Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Qua tìm hiểu “Đường kách mệnh” và các tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc, Mác – Lênin, từ một người yêu nước đồng chí đã trở thành người cộng sản.
Trong mười năm hoạt động đầu tiên, khi bị bắt, ở tù cũng như lúc hoạt động công khai, đồng chí đã đem hết nghị lực, trí tuệ và nhiệt tình cách mạng tham gia truyền bá chủ trường, đường lối của Đảng, góp phần bồi dưỡng lý luận và tinh thần cách mạng cho đông đảo cán bộ và nhân dân, trong đó có nhiều người đã trở thành nhân vật cốt cán của cách mạng.
Sau Chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ, địch tăng cường khủng bố, hầu hết các Uỷ viên Trung ương bị bắt, bị giết, nhiều tổ chức đảng và quần chúng bị phá vỡ. Ban Chấp hành Trung ương lâm thời do Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (11-1940) cử ra chỉ còn lại có 3 người. Với cương vị Quyền Tổng Bí thư ở giai đoạn cực kỳ khó khăn này, đồng chí đã cử cán bộ đi chắp nối liên lạc, khôi phục tổ chức; cử người sang Quảng Tây liên hệ và đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước. Phong trào cách mạng dần dần được khôi phục và củng cố, chuẩn bị lực lượng cho Cách mạng tháng Tám.
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8, đồng chí Trường Chinh được bầu chính thức làm Tổng Bí thư của Đảng. Sau Hội nghị, đồng chí rời Pắc Bó về xuôi trực tiếp chỉ đạo phong trào, đề ra sáng kiến lập hệ thống liên hoàn các An toàn khu (ATK). Từ tháng 8/1942 đến tháng 7/1944 , lãnh tụ Hồ Chí Minh đi Trung Quốc và bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam 14 tháng; đông chí Hoàng Văn Thụ bị địch bắt và xử bắn; đồng chí Hoàng Quốc Việt được cử đi công tác nước ngoài. Trách nhiệm to lớn của Đảng và cách mạng gần như đặt lên vai một mình Tổng Bí thư. Nhưng với trí tuệ thông minh, sắc sảo, khả năng ứng phó nhanh nhạy, đồng chí cùng Trung ương đã có những quyết định quan trọng đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên những bước nhảy vọt. Nổi bật nhất là việc đồng chí dự báo việc Nhật – Pháp bắn nhau và sớm chủ trì Hội nghị Thường vụ Trung ương ra chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Cùng với “Lời kêu gọi” của Nguyễn Ái Quốc, Chỉ thị đã chỉ rõ thời cơ đang đến và có tác dụng quyết định trong việc động viên hướng dẫn toàn Đảng, toàn dân trong cao trào chống Nhật cứu nước. Tại Đại hội quốc dân ở Tân Trào, đồng chí lại được cử phụ trách Uỷ ban tổng khởi nghĩa toàn quốc và 11 giờ đêm ngày 13/8/1945, Uỷ ban đã phát lệnh tổng khởi nghĩa. Chỉ trong thời gian ngắn, Cách mạng Tháng Tám đã thành công, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Cống hiến nổi bật của đồng chí Trường Chinh trong giai đoạn này chính là cùng với Bác Hồ đề ra đường lối của giai đoạn cách mạng mới ở Hội nghị Trung ương lần thứ 8 và đồng chí Trường Chinh là người trực tiếp chỉ đạo tổ chức thực hiện, đưa Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến thành công.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí cùng tập thể Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến. Quan điểm của Đảng về cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ được đồng chí Trường Chinh giải thích và phát triển trong tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi”. Tác phẩm đã trình bày một cách sáng tỏ các chặng đường của cuộc kháng chiến, củng cố niềm tin và nâng cao ý chí của mọi người. Trong thực tiễn, không những đồng chí chú trọng chỉ đạo nhiệm vụ kháng chiến, mà còn hết sức chú ý đến mặt kiến quốc, từng bước thực hiện khẩu hiệu “người cày có ruộng” chuẩn bị những tiền đề để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Từ những chủ trương, đường lối đúng đắn đó, cùng với thực tiễn sinh động, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đã giành thắng lợi to lớn, ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử dân tộc ta.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với cương vị là Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Quốc hội, rồi sau đó là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí đã cùng tập thể Bộ Chính Trị có những đóng góp không nhỏ vào việc chuẩn bị và đưa ra những quyết sách chiến lược, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tới thắng lợi hoàn toàn.
Cống hiến đặc biệt quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đã đi vào tiềm thức của nhân dân ta chính là vì đồng chí đã đặt nền móng cho công cuộc đổi mới. Năm 1986, ở cương vị Tổng Bí thư, đồng chí đã sớm nhận rõ được xu thế của thời đại, thực trạng của đất nước, yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân, đồng chí đã đề ra chủ trương đổi mới. Trong quá trình chuẩn bị Đại hội VI, đồng chí đã nói “Đối với nước ta, đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn”. Đại hội VI đã trở thành đại hội đổi mới, đánh dấu một mốc son mới trong lịch sử cách mạng Việt Nam, một bước ngoặt trong tư duy lý luận của Đảng ta.
Với trách nhiệm Cố vấn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí đã tích cực đóng góp sức mình trong việc xây dựng Cương lĩnh và Chiến lược kinh tế – xã hội, chuẩn bị nội dung cho Đại hội lần thứ VII của Đảng.
Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Trường Chinh đã thể hiện là một học trò xuất sắc và là một trong những người bạn chiến đấu gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí Trường Chinh đã đến với cách mạng thông qua các tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc và gặp gỡ đầu tiên giữa lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với đồng chí Trường Chinh tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 đã có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào thành công Hội nghị, đánh dấu sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hết. Kể từ đó, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn soi sáng cho mọi hoạt động lý luận và thực tiễn của đồng chí Trường Chinh.
Đánh giá về công lao của đồng chí Trường Chinh, Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VI đã nêu: “Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, trên cương vị là Tổng Bí thư của Đảng, từ năm 1941, cùng với Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, đồng chí đã có nhiều quyết sách đúng đắn, sáng tạo, nhất là trong những bước ngoặt của cách mạng, vai trò của đồng chí nổi bật là một trong những người lãnh đạo kiệt xuất đã đưa cuộc Cách mạng tháng Tám đến thành công và đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng”.
Đồng chí Trường Chinh, nhà lý luận, nhà văn hoá lớn
Đồng chí Trường Chinh là môt trong những nhà lý luận chiến lược của cách mạng Việt Nam. Đồng chí đã để lại nhiều tác phẩm lý luận có giá trị “Chống chủ nghĩa cải lương” (1935); “Vấn đề dân cày” (viết chung với đồng chí Võ Nguyên Giáp năm 1937 – 1938); “Chính sách mới của Đảng” (1941); “Kháng chiến nhất định thắng lợi” (1947); “Bàn về cách mạng Việt Nam” (1965); “Nắm vững ba bài học lớn để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược” (1986)… Thông qua những tác phẩm đó, đồng chí Trường Chinh đã làm rõ lý luận về hai vấn đề lớn. Một là, lý luận về phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam để góp phần định ra đường lối chiến lược và sách lược của Đảng. Hai là, lý luận về cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đó là những đóng góp quan trọng vào kho tàng lý luận cách mạng Việt Nam.
Thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hoá, nghệ thuật là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, ở mỗi chặng đường lịch sử, trước mỗi thử thách của cách mạng, đồng chí Trường Chinh đều đánh giá đúng tình hình, nêu lên trách nhiệm cụ thể của văn hoá. Hàng loạt tác phẩm cùng các bài viết của đồng chí tạo thành một hệ thống hoà chỉnh những quan điểm đúng đắn, sắc bén và sáng tạo của Đảng ta trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin vào văn hoá và nghệ thuật Việt Nam. Nổi bật nhất là những đóng góp của đồng chí trong quá trình soạn thảo Đề cương văn hoá Việt Nam; Báo cáo về Chủ nghĩa Mác và văn hoá Việt Nam; Báo cáo đọc tại các Đại hội văn nghệ toàn quốc. Đó là cơ sở lý luận cho việc xây dựng một nền văn hoá mới Việt Nam theo phương châm dân tộc, khoa học, đại chúng. Đến hôm nay, những tác phẩm đó vẫn còn nguyên giá trị, chứng tỏ vốn tri thức uyên thâm, sức sáng tạo kỳ diệu, tầm nhìn chiến lược của đồng chí Trường Chinh. Không chỉ là một nhà lý luận văn hoá, nhà lãnh đạo văn hoá, bản thân đồng chí đã thể hiện những phẩm chất toàn diện của một cách văn hoá lớn.
Đồng chí còn là nhà báo cách mạng nổi tiếng, là cây bút xuất sắc của báo chí cách mạng ngay từ thời kỳ Mặt trận Dân chủ. Đồng chí đã kế tục xuất sắc sự nghiệp báo chí Nguyễn Ái Quốc, tạo nên một văn phong chính luận cách mạng cho nền báo chí nước nhà. Những bài báo của đồng chí có tính chiến đấu cao, có sức thuyết phục lớn, ảnh hưởng sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Ngay từ những ngày còn trẻ, đồng chí đã làm chủ bút nhiều tờ báo quan trọng của Đảng và tiếp đó là người chịu trách nhiệm trực tiếp những cơ quan ngôn luận của Đảng và tiếp đó là người chịu trách nhiệm trực tiếp những cơ quan ngôn luận của Đảng như các báo “Cờ Giải phóng”, “Sự thật”, “Nhân dân”, “Tạp chí Cộng sản”…
Đồng chí còn là một nhà thơ mang bút danh Sóng Hồng. Với gần 70 bài đã sưu tập được, trong đó có nhiều bài nổi tiếng, thơ Sóng Hồng thể hiện cảm xúc của tác giả trước hầu hết các sự kiện của đất nước bằng một tâm hồn luôn luôn lạc quan, tin tưởng ở tiền đồ xán lạn của cách mạng. Thơ Sóng Hồng đánh dấu từng bước trưởng thành của cách mạng Việt Nam, của thơ ca cách mạng Việt Nam, có sức chiến đấu cao và lòng nhân ái sâu sắc. Theo đồng chí: “Thơ là vũ khí đấu tranh giai cấp kỳ diệu. Làm sao có thể quan niệm thơ không có tính đảng, tính giai cấp được? Thơ và cách mạng không thể tách rời. Đương nhiên, không thể thơ nào cũng có cách mạng, nhưng có cách mạng thì có thơ”.
Ở đồng chí, nhà chính trị, nhà tư tưởng, nhà lý luận, nhà hoạt động văn hóa, nhà báo, nhà thơ đã quyện với nhau làm một. Đó là sự thể hiện một cách sinh động lương tâm, trí tuệ và tình cảm cách mạng cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản, của nhà lãnh đạo cách mạng của Đảng theo chủ nghĩa Mác – Lênin.
Đồng chí Trường Chinh, tấm gương người chiến sĩ cộng sản kiên cường, suốt đời phấn đấu vì lý tưởng cao đẹp của dân tộc và thời đại.
Trải qua 81 tuổi đời, 63 năm hoạt động cách mạng kiên cường và liên tục, đồng chí Trường Chinh đã nêu một tấm gương sáng chói và để lại cho chúng ta những bài học quý, đó là:
– Suốt đời hy sinh phấn đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân; không ngừng học tập và rèn luyện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.
– ý chí kiên cường cách mạng, tính nguyên tắc và tổ chức kỷ luật, tình cảm chân thành với đồng bào, đồng chí, tính khiêm tốn, giản dị trong cuộc sống hàng ngày, phong cách làm việc khoa học, cẩn thận, cụ thể nhằm đặt hiệu quả thiết thực.
– Tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân.
– Trước những bước ngoặt lịch sử, phải đổi mới tư duy, trên cơ sở nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng tình hình, đề ra chủ trương phù hợp, dựa vào sức mạnh của nhân dân để làm nên thắng lợi.
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Trường Chinh là dịp để chúng ta ôn lại và tôn vinh những cống hiến to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Noi gương đồng chí, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, chúng ta nguyện đi theo con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lựa chọn. Mỗi chúng ta không ngừng rèn luyện, phấn đấu, trau dồi đạo đức cách mạng, đoàn kết, nhất trí, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.