Ông bà – Sự thăng trầm trong quan hệ với con cháu

ong ba

Không phải đứa trẻ nào cũng đủ may mắn để có được tình yêu thương vô điều kiện của ông bà. Theo tờ Hindustantimes, ngày nay hầu hết gia đình Ấn Độ đều là gia đình hạt nhân – chỉ có bố mẹ và con cái, do vậy vị trí của ông bà được thay thế bởi người giúp việc hoặc cô bảo mẫu.

Các cặp vợ chồng Ấn Độ thích sống độc lập hơn sống cùng bố mẹ, và họ không nhận ra tầm quan trọng của bố mẹ với cuộc sống của các con họ.

Trong khi đó, những câu chuyện được ông bà kể trước giờ đi ngủ, những cuộc đi dạo cùng ông bà, những món quà của ông bà là những thứ mà ai cũng ghi nhớ. Chơi với các cháu, “nên” các cháu khi chúng hư và cố gắng thực hiện mọi điều ước của các cháu – đó là những điều khiến ông bà trở nên đặc biệt.

Ngoài tình yêu thương và sự chăm sóc dành cho các cháu, ông bà còn dạy các cháu những giá trị và chuẩn bị cho chúng bước vào cuộc sống tương lai. Ratna Goradia, 21 tuổi, kể ông của cô là người quan trọng nhất trong cuộc đời cô. Ông dạy cô tầm quan trọng của sự tha thứ, bao dung và chân thật.

Tuy nhiên, không chỉ người cháu học hỏi được từ ông bà. Ngày nay, chính những đứa cháu đóng vai trò như một sự kết nối trực tiếp giữa người già và thế giới đang thay đổi. Những người cháu hướng dẫn ông bà vào mạng Internet, dùng các thiết bị điện tử, chơi game trên máy tính cũng như nắm bắt những xu hướng mới nhất trong xã hội. Bà Sushma Bami cho biết cô cháu gái là người bạn thân nhất của bà. Chính nhờ cháu mà bà biết được những gì đang xảy ra trên thế giới.

ông bà

Khi những đứa cháu còn nhỏ, quan hệ giữa ông bà và cháu “xuôi chèo mát mái”. Nhưng khi bọn trẻ lớn lên, có thể chúng sẽ coi sự quan tâm của ông bà như là một trở ngại cho sự độc lập của chúng. Bất cứ lời khuyên hay gợi ý nào của ông bà cũng được coi là sự can thiệp.

“Cuộc chiến” thường xuyên giữa những giá trị mà người già coi trọng và áp lực nhóm của bọn trẻ làm lớn thêm khoảng cách thế hệ giữa ông bà và cháu. Và rất có thể, những người cháu đã “làm ngơ” người bạn một thời thân thiết của mình.

Riya Vaidya, một giáo viên, thừa nhận cô đã trải qua một giai đoạn mà cô không hiểu những quan tâm của ông dành cho cô. Nhưng chính trong những năm “khó khăn” khi Riya mới lớn, ông chính là nơi nương tựa vững chắc nhất của cô mà đến giờ cô mới nhận ra. Nhờ có ông mà Riya không bị “trôi dạt” về hướng sai trái.

Họ là một phần quan trọng trong cuộc đời mỗi người, nhưng thông thường khi chúng ta nhận ra điều này đã quá muộn. Kausha Shah, kiến trúc sư 28 tuổi, vẫn còn nhớ người bà đã qua đời vài năm trước. Kausha kể bà cô sống ở một ngôi làng và mọi dịp nghỉ cô đều thăm bà, nhưng dần dà cô trở nên bận rộn. Giờ đây khi bà không còn nữa, cô cảm thấy hối tiếc và nghĩ lẽ ra cô phải dành thời gian cho bà nhiều hơn.

Leave a Reply

Your email address will not be published.