Năm 1072, vua Lý Thánh Tông băng hà, con trai Càn Đức nối ngôi lấy hiệu là Lý Nhân Tông. Vua mới của nhà Lý chỉ 7 tuổi nên triều Tống ở phương Bắc tụ binh tại khu vực biên giới chuẩn bị xâm lược Đại Việt lần thứ 2. Cuộc chiến tranh chống quân Tống , Thái úy Lý Thường Kiệt đề nghị vua chủ động tấn công quân giặc trước khi chúng tràn vào bờ cõi nước ta.
Tháng 10-1075, Lý Thường Kiệt chỉ huy 10 vạn quân tấn công vào các thành trì của quân Tống ở gần biên giới Đại Việt. Cuối tháng 12-1075, thành Khâm Châu thất thủ; đầu tháng 1-1076, thành Liêm Châu bị Lý Thường Kiệt đánh hạ. Thừa thắng, Lý Thường Kiệt dẫn quân tấn công thành Ung Châu. Tướng giữ thành thấy thế quân Đại Việt quá mạnh nên ra sức cố thủ chờ viện binh. Lý Thường Kiệt tổ chức mai phục cách thành Ung Châu 40km và đánh tan đạo quân viện binh vào ngày 11-2-1076. Đầu tháng 3-1076, thành Ung Châu bị hạ.
Bị đòn đau, vua Tống giao Quách Quỳ chỉ huy, Triệu Tiết làm phó tướng dẫn 10 vạn quân, 20 vạn dân phu cùng 1 vạn ngựa và hàng trăm chiến thuyền chia hai đường thủy – bộ sang xâm lược nước ta. Quân bộ do Quách Quỳ chỉ huy tiến vào vùng Đông Bắc Đại Việt, cánh quân thủy men bờ biển tiến vào cửa sông Bạch Đằng. Lý Thường Kiệt được triều đình giao chức Tổng chỉ huy và trực tiếp đánh giặc trên bộ, tướng Lý Kế Nguyên phụ trách đánh cánh quân thủy. Lý Thường Kiệt tổ chức hai tuyến phòng thủ trên bộ bao gồm tuyến sát biên giới do các dân binh phụ trách; tuyến thứ hai dài khoảng 30km nằm ở bờ nam sông Như Nguyệt (sông Cầu ngày nay).
Ngày 8-1-1077, quân Tống vượt qua biên giới tiến vào nước ta và đã bị các đội dân binh địa phương chặn đánh dữ dội. Cùng lúc này, quân thủy của Tống đã lọt vào trận mai phục của Đại Việt tại sông Đông Kênh. Bị đánh bất ngờ, hơn trăm chiến thuyền của giặc bị đánh chìm, buộc quân Tống phải tháo chạy về vùng biển Liêm Châu cố thủ. Ngày 18-1-1077, quân bộ của Tống đã tiến tới bờ Bắc sông Như Nguyệt. Tại đây, quân Tống chờ thủy quân tới để vượt sông tác chiến. Tuy nhiên, do cánh thủy đã tháo chạy về nước nên Quách Quỳ buộc phải tiến công nhưng đều bị Lý Thường Kiệt đánh bại. Sau 2 tháng giao tranh, quân Tống bắt đầu mệt mỏi, Lý Thường Kiệt ra lệnh phản công vào cánh quân của Quách Quỳ. Lợi dụng quân Tống tập trung ở mặt trận phía đông, quân Đại Việt bí mật vượt sông tập kích vào cánh quân phía tây của Triệu Tiết và thu được thắng lợi lớn. Sau thắng lợi ở mặt trận phía tây, Lý Thường Kiệt huy động toàn lực đánh vào cánh quân phía đông của Quách Quỳ. Bị đánh bại liên tục, tháng 3-1077, Quách Quỳ cùng đám tàn quân rút chạy về nước trong cảnh hỗn loạn.
Các nhà nghiên cứu lịch sử đánh giá cao về cuộc chiến tranh chống quân Tống xâm lược lần thứ 2. Bởi trong cuộc chiến này, quân dân Đại Việt đã nâng nghệ thuật chiến tranh nhân dân lên một đỉnh cao mới là chủ động đánh giặc từ ngoài biên giới và điều chỉnh chiến lược quân sự theo từng giai đoạn cụ thể để đi tới thắng lợi cuối cùng. Cuộc chiến này đã góp phần bảo vệ vững chắc nền độc lập tự chủ của dân tộc, đồng thời củng cố vững chắc truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.