Phong trào Đồng Khởi – Sự đúng đắn và kịp thời của đường lối cách mạng

phong trao dong khoi

Sau đợt đầu thắng lợi, trong năm 1960, phong trào Đồng khởi tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Tỉnh ủy chủ trương đợt nổi dậy lần thứ 2, khởi đầu vào ngày 23-9-1960.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, buộc thực dân Pháp phải đặt bút ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, đình chiến ở Đông Dương. Theo hiệp định được ký kết ngày 20-7-1956, phải có tổng tuyển cử tự do trong toàn quốc để thống nhất đất nước, nhưng Ngô Đình Diệm (tên tay sai được Mỹ hậu thuẫn, nuôi dưỡng) phản bội không thi hành hiệp định. 

Tháng 8-1956, Quốc hội ngụy Sài Gòn thông qua đạo luật đặt Cộng sản ngoài vòng pháp luật. Tổng thống Mỹ Ai-xen-hao tuyên bố ủng hộ Diệm. Hành động trên là chỗ dựa cho Ngô Đình Diệm công khai giương lá cờ chống Cộng, làm tay sai đắc lực cho Mỹ, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. 

Từ năm 1957-1959, chính quyền Mỹ – Diệm tăng cường các hoạt động khủng bố, đàn áp dã man, nhất là từ năm 1959, với việc thi hành luật Phát-xít 10/59, lê máy chém khắp nơi, chúng tăng cường bắt lính, đôn quân; xây dựng hệ thống kềm kẹp tận xã, ấp; dựng lên đồn bót khắp nơi trong tỉnh, lập các khu trù mật để gom dân. Ngày đêm, chúng tăng cường đàn áp, bắt bớ, bắn giết hàng vạn đồng bào và chiến sĩ cách mạng. Toàn tỉnh chỉ còn 18 chi bộ, 162 đảng viên. Nhân dân ta sống trong cảnh bị địch kềm kẹp khắc nghiệt nhưng vẫn một lòng kiên trung tin theo Đảng, với lòng căm thù giặc sục sôi, kiên trì đấu tranh với địch, sẵn sàng chờ thời cơ hành động.

Trước tình hình khủng bố ngày càng gay gắt của địch, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II ban hành Nghị quyết số 15 cho phép tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam bằng bạo lực cách mạng của quần chúng để phá thế kềm kẹp của địch giành quyền làm chủ. Sau khi đồng chí Nguyễn Thị Định, Phó Bí thư Tỉnh ủy đi tiếp thu Nghị quyết số 15 của Trung ương về đã quán triệt và bàn kế hoạch hành động. Tỉnh ủy thống nhất, kiên quyết phát động và lãnh đạo quần chúng toàn tỉnh nổi dậy và chọn 3 xã Bình Khánh, Phước Hiệp, Định Thủy (Mỏ Cày) làm điểm chỉ đạo. Sáng 17-1-1960, tổ hành động của xã Định Thủy, dùng mưu giết chết tên Tổng đoàn trưởng và đánh chiếm Tổng đoàn dân vệ đóng tại đình Định Phước, thu toàn bộ súng đạn, mở đầu cuộc Đồng khởi.

Cũng trong hai ngày 17 và 18-1-1960, cuộc nổi dậy đã nổ ra ở các xã Bình Khánh, Phước Hiệp và các xã khác trong huyện Mỏ Cày. Sau đó, phong trào lan ra cả Cù lao Minh và toàn tỉnh Bến Tre. Quần chúng vũ trang bằng gậy gộc, giáo mác, nổi trống mõ, đốt ống lói, được “tổ hành động” hỗ trợ làm nòng cốt đã kéo đi bao vây, bức rút, bức hàng đồn bót, trừng trị ác ôn, phá thế kềm kẹp.

Sau tuần lễ Đồng khởi, ta đã bức rút, bức hàng 20 đồn, thu hàng trăm súng. Ta đã xây dựng được 4 tiểu đội vũ trang tuyên truyền. Mỹ – Diệm coi Bến Tre là cái “ung độc Kiến Hòa” và liên tiếp cho quân đội đến phản kích. Lực lượng vũ trang nhỏ bé của tỉnh tuy mới thành lập nhưng đã liên tiếp giáng cho chúng những đòn chí tử. Ngày 25-3-1960, hơn 10.000 quân hỗn hợp của Mỹ – ngụy đến Bến Tre bao vây 3 xã Định Thủy, Bình Khánh, Phước Hiệp hòng dập tắt phong trào nổi dậy và tiêu diệt cơ quan lãnh đạo của ta. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo đầy mưu trí, sáng tạo của Tỉnh ủy: kết hợp chặt chẽ giữa chính trị, quân sự và binh vận. Đặc biệt là đã vận động hàng ngàn lượt quần chúng liên tục kéo về thị trấn Mỏ Cày đấu tranh trực diện làm cho bọn đầu não bối rối, binh sĩ địch hoang mang. Trước khí thế và tinh thần anh dũng của dân ta sau 12 ngày càn quét, buộc địch phải rút quân.

Sau đợt đầu thắng lợi, trong năm 1960, phong trào Đồng khởi tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Tỉnh ủy chủ trương đợt nổi dậy lần thứ 2, khởi đầu vào ngày 23-9-1960. Điểm Đồng khởi là Châu Hòa, Châu Phú, Châu Thới. Bằng sự kết hợp đấu tranh chính trị, quân sự, binh vận, Đồng khởi 2 thu được thắng lợi rực rỡ: 60 đồn địch bị san bằng, 400 tên địch bị giết, trên 40 xã đã hoàn toàn giải phóng.

phong trao dong khoi

Sau 1 năm Đồng khởi, ta đã giải phóng 51/115 xã, 21 xã giải phóng 1 phần. Nhân dân làm chủ 300/500 ấp. Hệ thống kềm kẹp của địch ở nông thôn cơ bản bị phá rã. Bên cạnh đó, Đảng bộ Bến Tre cũng có sự lớn mạnh, đã có 937 đảng viên, 80 xã có chi bộ, các đoàn thể quần chúng phát triển mạnh. Tỉnh xây dựng được 2 đại đội vũ trang tập trung, huyện có từ 1-2 trung đội. Một lực lượng đấu tranh chính trị hùng hậu, tiêu biểu là “đội quân tóc dài” nổi tiếng ra đời ngay trong những ngày đầu Đồng khởi. Hơn 80.000 mẫu ruộng được chia cho dân nghèo.

Thắng lợi của cuộc Đồng khởi 1960 có ý nghĩa chính trị, lịch sử sâu sắc, đó là: Thắng lợi của cuộc Đồng khởi ở Bến Tre đã làm sáng tỏ tính đúng đắn và kịp thời của đường lối cách mạng mà Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 15 đã vạch ra và là kết quả của sự lãnh đạo sáng tạo và linh hoạt của Đảng bộ, tinh thần kiên cường, quật khởi của nhân dân Bến Tre. Phong trào Đồng khởi ở Bến Tre mở đầu cho cao trào tấn công và nổi dậy của toàn miền Nam, chuyển cách mạng từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công địch, đẩy chế độ Mỹ – Diệm rơi vào thời kỳ khủng hoảng toàn diện dẫn đến sụp đổ của cuộc chiến tranh đặc biệt. Phong trào Đồng khởi đã hình thành và phát triển nghệ thuật tiến công địch một cách độc đáo của nhân dân Bến Tre, đó là sự kết hợp hai chân: chính trị, quân sự; ba mũi giáp công: chính trị, quân sự và binh vận. Sau này được Trung ương đúc kết kinh nghiệm phổ biến toàn miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đưa cách mạng miền Nam đến thắng lợi hoàn toàn.

Từ thắng lợi của phong trào Đồng khởi, có thể rút ra các bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Bến Tre, đó là: Trong mọi tình huống phải nắm vững chủ trương, đường lối, nhiệm vụ chiến lược, giữ vững lập trường cách mạng tiến công, đề cao tinh thần tự lực, tự cường, linh hoạt, sáng tạo trong phương pháp thực hiện. Thực hiện tốt công tác vận động và tổ chức quần chúng, coi đó là công tác cơ bản để thúc đẩy phong trào cách mạng của quần chúng không ngừng lớn mạnh. Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, xây dựng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nắm chắc và vận dụng chiến lược chiến tranh nhân dân một cách toàn diện để đánh thắng chiến tranh hiện đại của đối phương. Tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức, đủ sức lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ.

Những bài học kinh nghiệm trên vẫn còn nguyên giá trị thời sự trong giai đoạn cách mạng hiện nay

Leave a Reply

Your email address will not be published.