kể từ ngày Huỳnh Ngọc Huệ ra đi, song tên tuổi cùng những cống hiến lớn lao của người chiến sĩ cách mạng, một lãnh tụ xuất sắc của công đoàn còn mãi với thời gian.

Huỳnh Ngọc Huệ có bí danh là Hoa, Ngọc và Hồng Chính, sinh năm 1914, tại làng Mỹ Hòa, tổng Mỹ Hòa (nay thuộc xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc) trong một gia đình nông dân yêu nước, một địa phương giàu truyền thống cách mạng. Quê hương của ông, tổng Mỹ Hòa những năm 1930 là trung tâm của nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt vải. Chủ tư bản Délignon đã đến mua đất đắp đường mở tiệm ươm tơ Giao Thủy, thu hút hàng trăm lao động xuất thân từ nông nghiệp làm thuê. Dưới sự cai trị thuộc địa của Pháp, nông dân nghèo, thợ thủ công ở tổng Mỹ Hòa nói riêng và các vùng lân cận phải chịu cảnh “một cổ hai tròng”. Cho đến khi Nhật nhảy vào tranh giành thuộc địa với Pháp ở Đông Dương, thì nhân dân phải chịu cảnh bóc lột hai đầu xâu, ba đầu thuế: xâu cho Nhật, xâu cho Pháp, thuế cho Nhật, thuế cho Pháp và thuế cho Nam triều.

Nhờ tiếp cận với sách báo tiến bộ, sách báo cộng sản, Huỳnh Ngọc Huệ sớm ý thức được sự biến động của quê hương, đất nước và cuộc sống lầm than của dân nghèo, của công nhân. Năm 1934, Huỳnh Ngọc Huệ thi đỗ vào Trường kỹ nghệ thực hành Huế, vốn thông minh, học giỏi, ông được giữ lại trường. Năm 1937, Huỳnh Ngọc Huệ cùng các đồng chí Tố Hữu, Đào Duy Dzếch được cử làm đại diện cho Đoàn thanh niên dân chủ trong nhà trường và hội hướng đạo, làm thư ký Hội Ái hữu Trường Kỹ nghệ thực hành Huế và là bí thư chi bộ nhà trường. Tại đây, ông cùng bạn bè tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng đấu tranh đòi dân chủ, dân sinh và huy động học sinh đón “Gô Đa” ở Huế, thu được kết quả nhất định. Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đầu năm 1940, ông bị địch bắt giam tại nhà lao Thừa Phủ (Huế), rồi bị địch đày lên Đắk Glei (Kon Tum) cùng với nhiều người khác. Ở ngục Đắk Glei, 3.1942, Huỳnh Ngọc Huệ và Tố Hữu đã tổ chức vượt ngục. Sau chuyến vượt ngục Đắk Glei, hoạt động tại Đà Nẵng một thời gian, ông bị địch bắt trở lại, đày lên Đắk Tô (Kon Tum). Những chuỗi ngày ở Đắk Tô, Huỳnh Ngọc Huệ cùng với Nguyễn Duy Trinh, Chu Huy Mân, Hà Thế Hạnh đã vượt ngục thành công, về Đại Lộc. Tại Đại Lộc, Huỳnh Ngọc Huệ lại bị rơi vào tay địch, bị đưa ra giam ở Hỏa Lò (Hà Nội), sau chuyển về nhà lao Con Gà (Đà Nẵng). Những màn đối xử đặc biệt với “tên tù nguy hiểm” cấp tập diễn ra cùng với đó là những ngày thiếu cơm lạt muối, kể cả chiêu mua chuộc song trước sau như một, Huỳnh Ngọc Huệ vẫn giữ tròn khí tiết của người cộng sản. “Tôi làm cách mạng là để chống kẻ bóc lột, không có mục đích nào khác, dù các ông có bắn cũng thế thôi. Tôi tin rằng, nếu tôi chết, thì sẽ có những người bị bóc lột khác đứng lên đấu tranh chống kẻ bóc lột…” – ông đối đáp lại tên cai ngục khét tiếng khi được hỏi “tại sao chống Pháp?”. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, Huỳnh Ngọc Huệ được giải thoát khỏi lao tù, ra tù, ông lại tích cực bắt tay vào gầy dựng phong trào…

Người sáng lập công đoàn

Huỳnh Ngọc Huệ là một trong những người sáng lập và lãnh đạo Công đoàn Việt Nam và lãnh tụ xuất sắc phong trào công nhân. Ông vừa là chủ bút, vừa là chủ in, phát hành báo Cờ Giải phóng; ông còn là Tổng thư ký Tòa soạn báo “Tay Thợ”, được dùng làm tài liệu tuyên truyền cách mạng. Ông giữ chức vụ Tổng thư ký Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, được bầu vào Ban Chấp hành Liên hiệp Công đoàn thế giới năm 1946. Công lao to lớn của ông những năm đầu kháng chiến chống Pháp là xây dựng các công binh xưởng ở Quảng Nam và Đà Nẵng. Ngay trên quê hương Giao Thủy – Đại Hòa, ông đã chỉ đạo thành lập xưởng sản xuất vũ khí tại Nhà máy Ươm tơ Giao Thủy.

UBND tỉnh vừa ban hành Giải thưởng Huỳnh Ngọc Huệ nhằm ghi nhận, tôn vinh đoàn viên công đoàn có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phát triển bền vững, xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn vững mạnh. Giải thưởng được xét tặng 5 năm một lần vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28.7). Giải thưởng như sự tri ân, tôn vinh lớn lao đối với một người con yêu nước, một lãnh tụ xuất sắc của công đoàn.

Thời kỳ giữ cương vị Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông đã chỉ đạo đồng chí Nguyễn Văn Dung và một số cán bộ nghiên cứu kỹ thuật chế tạo thử nghiệm súng tiểu liên Xit-ten (Sten) kiểu Pháp tại xưởng cơ khí công chánh Đà Nẵng. Ông cùng đồng chí Nguyễn Chí Thanh trực tiếp đến chứng kiến buổi bắn thử. Từ những kết quả thử nghiệm đầu tiên, công binh xưởng Phan Đăng Lưu thành lập, sau đó là công binh xưởng Cao Thắng… Các xưởng sản xuất vũ khí là hậu phương vững chắc cung cấp vũ khí cho bộ đội, dân quân du kích đánh giặc. Đây là những cơ sở, tiền đề để cách mạng ta tiến lên xây dựng 4 xưởng sản xuất vũ khí: QB.140, QB.150, QB.160 và xưởng vũ khí Hạ Lào vào năm 1948.

Trực tiếp theo sát, đôn đốc công nhân tại các công binh xưởng, Huỳnh Ngọc Huệ rất quan tâm đến các tổ chức công đoàn trong các xưởng công binh. Khi nghe tin công nhân xưởng Cao Thắng tuyệt thực, ông đã khóc và phân tích cho lãnh đạo xưởng này những nguyên nhân dẫn tới sự việc trên. Trả lời phỏng vấn báo Lao động (năm 1949), ông ca ngợi công nhân sản xuất chế tạo vũ khí của Liên khu V: “Họ trút phần mỹ thuật vào vũ khí, say sưa với sản phẩm chế tạo”. Ở cương vị nào, vai trò nào Huỳnh Ngọc Huệ cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đồng thời làm tròn trách nhiệm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phân công. Tiếc thay, ông ra đi ở tuổi đời 35 do bị nhiễm vi trùng uốn ván, chưa kịp lập gia đình, khi sự nghiệp cách mạng còn dang dở.

Trước tin ông mất, Tổng Thư ký Liên hiệp Công đoàn Thế giới Louis Saillant viết trong đoạn chia buồn: “Sự ra đi của đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ, một chiến sĩ quả cảm và tận tụy của giai cấp lao động Việt Nam, là một thiệt thòi lớn cho phong trào lao động Việt Nam…”. Thời kỳ này, phong trào học tập theo gương đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ lan rộng trong nhiều công xưởng, trường học, tổ chức cơ sở Đảng mang tên ông. Hội nghị Trung ương 5.1949 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức nghi thức mặc niệm cho người con quê hương Đại Lộc trọn đời vì sự nghiệp cách mạng.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here