Phạm Hồng Thái, tên thật là Phạm Thành Tích (tự là Phạm Đài), sinh ngày 14/5/1895 trong một gia đình nhà Nho, tại làng Do Nha, tổng Văn Viên, nay thuộc xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Ông nội của Phạm Hồng Thái là Cử nhân Phạm Trung Tuyển làm quan Huấn đạo, cha là Tú tài Phạm Thành Mỹ cũng làm quan Huấn đạo.

Thuở nhỏ ông học chữ Nho ở làng. Năm 1908 ông theo cha ra Thất Khê (Cao Bằng) học tiếng Pháp ở trường Pháp-Việt. Sau khi hiểu ra đây là trường đào tạo người phục vụ bộ máy cai trị của thực dân Pháp, ông bỏ học đi làm thợ. Lúc đầu ông làm phu mỏ Kẽm ở chợ Chu (Bắc cạn), ở đây ông tổ chức công nhân bãi công nên bị đuổi việc. Ông trở về quê xin vào làm công nhân ở Nhà máy điện Bến Thuỷ. Làm ở đây một thời gian ông lại bị đuổi việc vì tổ chức công nhân bãi công. Ông ra Hải Phòng xin vào làm công nhân ở Nhà máy Xi măng, ông nắm bắt được thông tin về một tổ chức yêu nước của ta đang hoạt động ở nước ngoài. Thế rồi, ông lại trở về quê vận động hai người bạn cùng chí hướng là Lê Huy Doãn và Lê Thiết Hùng tìm đường xuất dương làm cách mạng.

Đầu năm 1924, ông được Vương Thúc Oánh (con rể cụ Phan Bội Châu) dẫn đường cùng 14 thanh niên yêu nước khác, bí mật rời Vinh vượt Trường Sơn sang Xiêm (Thái Lan). Trên đường đi, để tỏ rõ chí can trường, sẵn sàng hy sinh cứu nước Lê Huy Doãn đổi tên là Lê Hồng Phong, Phạm Thành Tích đổi tên là Phạm Hồng Thái. Sau một thời gian ngắn được rèn luyện và thử thách tại Trại Cày Đặng Thúc Hứa (ở Đông Bắc Thái Lan) cả hai ông được lựa chọn đưa sang Quảng Châu (Trung Quốc) để tiếp tục hoạt động.

 Pham hong thai

Tháng 4 năm 1924 Phạm Hồng Thái và Lê Hồng Phong đến Quảng Châu được Lê Hồng Sơn đón tiếp và giới thiệu gia nhập Tâm Tâm xã – một tổ chức bí mật của những chiến sĩ cách mạng chủ trương bạo động, sẵn sàng hy sinh dành độc lập cho Tổ quốc. Khi biết tin tên Toàn quyền Đông Dương Mec-lanh sang Nhật có ghé qua Quảng Châu và sẽ dự tiệc tại Sa Điện, Tâm Tâm xã cử ông ám sát trừ khử tên thực dân đầu sỏ Mec-lanh nhằm gây tiếng vang.
Chiều tối ngày 19 tháng 6 năm 1924, trong vai nhà báo, Phạm Hồng Thái dấu tạc đạn trong máy ảnh, tiến vào khách san Victoria, nơi Mec-lanh dự tiệc. Khi bữa tiệc bắt đầu, ông liệng tạc đạn về phía mục tiêu, tạc đạn nổ Mec-lanh bị thương nhưng thoát chết. Bị cảnh sát phát hiện và truy đuổi ráo riết, Phạm Hồng Thái nhanh chóng thoát ra ngoài, nhảy xuống sông Châu Giang định bơi sang bên kia bờ, nơi có Lê Hồng Phong và Lê Hồng Sơn đón đợi. Nhưng dòng nước xoáy làm ông không đến được điểm hẹn, Phạm Hồng Thái đã anh dũng hy sinh. Sự kiện này đã được báo chí Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới đưa tin nhiều ngày liền với tên gọi “Tiếng bom Sa Điện”.

Nhân dân Quảng Châu cho đó là hành vi nghĩa liệt, đưa thi thể Phạm Hồng Thái mai táng ở chân đồi Bạch Vân. Sau này mộ của ông được chuyển về xây tại Nghĩa trang Trung ương Hoàng Hoa Cương, bên cạnh các Liệt sĩ Trung Quốc, mộ chí ghi “Việt Nam Phạm Hồng Thái Liệt sĩ chi mộ”

Tiếng bom Sa Điện của Phạm Hồng Thái được coi là một mốc son trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Nó “Thức tỉnh hồn nước”. Trần Dân Tiên đã có một nhận định nổi tiếng: “Tiếng bom của ông đã nhóm lại ngọn lửa chiến đấu. Việc đó tuy nhỏ nhưng nó báo hiệu bắt đầu thời đại đấu tranh dân tộc, như chim én nhỏ báo hiệu mùa xuân”.

Để ghi nhớ và tri ân sự hy sinh anh dũng của Liệt sỹ Phạm Hồng Thái, nhà nước đã xếp hạng Nhà thờ Họ Phạm – nơi thờ Tổ tiên Phạm Hồng Thái là di tích lịch sử cấp Quốc gia, nhân dân đã xây dựng Nhà bia tượng niệm Liệt sỹ Phạm Hồng Thái tại xã Hưng Nhân.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here