Phùng Hưng (761 – 802) người đất Đường Lâm (nay là xã Đường Lâm, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây). Họ Phùng từng làm hào trưởng đất Đường Lâm nhiều đời, nhà giàu, có uy tín trong vùng. Bản thân Phùng Hưng là con trai của Phùng Hạp Khánh – một người hiền tài, đức độ, đã tham gia cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan.
Từ nhỏ, Phùng Hưng cùng hai em là Phùng Hải và Phùng Dĩnh được cha mẹ nuôi dạy rất chu đáo. Lớn lên, cả ba đều nổi tiếng là có khí phách, có sức khoẻ hơn người, đặc biệt là Phùng Hưng “có sức khoẻ có thể vật được trâu, đánh được hổ”,được nhân dân địa phương rất yêu mến.
Sau khi khởi nghĩa Mai Thúc Loan thất bại (722), bọn quan quân nhà Đường càng ra sức bóc lột nhân dân ta thậm tệ. Năm 766, người Côn Lôn ở bán đảo Mã Lai, người Chà Và ởđảo Giava đem quân đánh nhà Đường ở phía Nam. Quân lính ở Tống Bình nổi dậy chống bọn đô hộ Trương Bá Nghi. Phùng Hưng nhân cơ hội đó đã kêu gọi nhân dân đứng dậy khởi nghĩa chống lại nhà Đường.
Cuộc chiến đấu của nghĩa quân với quan quân đô hộ nhà Đường kéo dài 15 năm nhưng không phân thắng bại, An Nam đô hộ nhà Đường nhiều lần đem quân đàn áp nhưng không sao đè bẹp nổi. Quân giặc điên đầu, mất ăn, mất ngủ. Qua chiến đấu, nghĩa quân ngày càng được tôi luyện, khí thế ngày càng hăng.
Để chiến thắng kẻ thù, Phùng Hưng đã tích cực củng cố lực lượng, chăm lo rèn luyện quân sĩ, định phép binh động, tĩnh, tiến, lui. Đội ngũ nghĩa quân tiền, tả, hậu, hữu cũng được phân chia rành rọt. Đặc biệt, Phùng Hưng đã xây dựng được một đội chỉ huy tài trí, đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ.
Biết được âm mưu nham hiểm đó, Phùng Hưng đã thay đổi cách đánh buộc địch phải phân tán lực lượng, đánh theo cách đánh của ta. Với ưu thế về lực lượng, nghĩa quân đã hoàn toàn làm chủ thế trận. Thừa thắng, nghĩa quân vây chặt thành. Quan quân nhà Đường phải đối phó trong trạng thái hốt hoảng. Bị vây hãm trong thành nhiều ngày, do quá căng thẳng và hoảng loạn, Cao Chính Bình đã chết trong thành. Phùng Hưng nghe tin liền dẫn toàn quân ào ạt tấn công và chiếm thành Tống Bình. Quan quân nhà Đường phần bị giết, phần bỏ chạy về nước. Cuộc khởi nghĩa do Phùng Hưng lãnh đạo đã giành thắng lợi.
Phùng Hưng vào thành, lên ngôi vua. Ông tuyên bố xóa bỏ ách đô hộ của nhà Đường, tổ chức lại việc cai trị. Ông cũng miễn giảm thuế khóa, lao dịch, xoá bỏ mọi chế độ hà khắc cũ. Ngoài ra, ông còn thi hành nhiều chính sách có lợi cho nhân dân nên được nhân dân yêu mến suy tôn là Bố Cái Đại Vương.
Về phía nhà Đường, nghe tin An Nam thất thủ, Cao Chính Bình chết, La Thành (lúc này Tống Bình đã đôi tên là La Thành) bị chiếm, vua Đường đã rất tức giận, muốn đem quân chiếm lại ngay. Tuy nhiên, bấy giờ Trung Quốc đang có loạn phiên trấn đánh chiếm kinh đô. Vua Đường là Lý Quát bị đuổi chạy khỏi kinh đô nên nhà Đường không còn lòng dạ nào để tính chuyện Phùng Hưng. Nhờ vậy, Phùng Hưng làm vua va cai trị đất nước được 7 năm.
Phùng Hưng là người tiếp nối sự nghiệp giải phóng dân tộc từ thời đại Bà Trưng, Bà Triệu đến Lý Bí, Mai Thúc Loan… ông cũng là người kế thừa và phát triển nghệ thuật quân sự của các bậc tiền bối đã được manh nha từ Lý Bí, trải qua Triệu Quang Phục cho đến ông.
Năm 802, Phùng Hưng bị ốm và qua đời. Tương truyền rằng, Phùng Hưng rất linh thiêng. Sách “Việt diện u linh” có chép lại: “Khi Ngô Tiên Chủ (chỉ Ngô Quyền) dựng nước, bọn giặc Nam Hán sang cướp nước ta. Ngô Tiên Chủ ngày đêm lo nghĩ tìm cách chống đánh. Thế rồi một đêm, Ngô Tiên Chủ nằm mơ, thấy có một cụ già áo mũ chỉnh tề, đến nói rõ họ tên của mình và bảo rằng:
– Tôi đã trù tính, sắp sẵn các đội thần binh để giúp sức Nhà vua, xin Nhà vua hãy gấp tiến binh đừng lo nghĩ gì cả.
Đến khi Ngô Tiên Chủ ra đánh giặc ở sông Bạch Đằng, nghe trên không có tiếng binh mã ầm ầm, và quả nhiên trận ấy được đại thắng. Ngô Tiên Chủ lấy làm lạ và cho sửa sang ngôi đền, khiến cho đền rộng rãi và đẹp đẽ hơn xưa”. Xong, Ngô Tiên Chủ thân đem các thứ lễ vật cúng thờ quạt chiêng trống đến tế lễ. Sau, các triều quen dần thành lệ”
Hiển nhiên, không ai dám quả quyết rằng Ngô Quyền thắng trận Bạch Đằng là nhờ oai linh của Bố Cái Đại Vương giúp sức. Nhưng Ngô Quyền cũng như bao vị anh hùng khác khi ra trận vẫn luôn tin rằng thần sông, thần núi luôn sát cánh bên mình. Phải chăng, niềm tin ấy cũng là một phần rất quan trọng tạo nên sức mạnh của họ
Nền độc lập dân tộc do Phùng Hưng khôi phục lại chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi nhưng chí quật cường của người anh hùng đất Đường Lâm vẫn trường tồn bất diệt. Phùng Hưng đã viết tiếp vào trang sử vẻ vang chống phương Bắc đô hộ của dân tộc. Phùng Hưng là biểu tượng cho lòng yêu nước, ý chí căm thù giặc và tinh thần tự tôn, độc lập tự chủ của dân tộc.